Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua.
Chiều 28-10, tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu góp ý về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan chuyên môn.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu trước Quốc hội chiều 28-10 |
Việc ban hành luật cũng nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, trách nhiệm bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cho công dân và những hoạt động công vụ khác, đảm bảo thân phận về ngoại giao và phục vụ cho việc đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm thay mặt Ban soạn thảo trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận, trong đó, tại riêng buổi thảo luận ngày 28-10 đã có 18 lượt ý kiến các đại biểu tham gia ý kiến trên một số nội dung như một số vấn đề về khái niệm trong dự thảo luật; những nguyên tắc quản lý về xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm về xuất cảnh, nhập cảnh quy định cụ thể tại Điều 4; quyền và nghĩa vụ công dân ở Điều 5; liên quan đến giấy tờ phục vụ cho việc xuất, nhập cảnh ở Điều 6; các đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ...; về cấp giấy thông hành, chưa cấp giấy tờ phục vụ xuất, nhập cảnh; về thẩm quyền hủy, thu hồi, khôi phục hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến xuất, nhập cảnh; những điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; vấn đề kiểm soát xuất, nhập cảnh; vấn đề tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh.
"Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thành dự án luật này. Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này theo đúng chương trình của Quốc hội", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, thảo luận tại hội trường về dự án luật, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí rằng dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Công an trình có nhiều điều chỉnh rất quan trọng, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, công tác, du lịch...; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã được nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp.
Về cơ bản các nội dung của dự thảo luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa, có sự thay đổi một cách toàn diện, nhiều nội dung mới được bổ sung, quy định rõ thêm các vấn đề có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật.
Đại biểu đề nghị không giao một việc cho hai cơ quan
Đóng góp ý kiến để dự thảo luật hoàn chỉnh hơn, đại biểu Nguyễn Minh Đức đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu băn khoăn rằng trách nhiệm của việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chip điện tử nếu giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ như trong Điều 49 của dự án luật đã chỉnh lý thì sẽ phát sinh chi phí liên quan đến cơ sở hạ tầng từ Ban Cơ yếu đến cơ quan cấp, phát hộ chiếu của Bộ Công an, dẫn đến nguy cơ không tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có.
"Theo Quyết định số 2135/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Phát hành khoá và chữ ký số quốc gia dùng ký và kiểm tra hộ chiếu gắn chip điện tử là một bộ phận của hệ thống cấp phát và kiểm soát hộ chiếu gắn chip điện tử được thiết kế tại Bộ Công an (tức là do Cục quản lý xuất, nhập cảnh quản lý), nếu điều chỉnh sẽ bắt buộc phải thay đổi toàn bộ thiết kế", đại biểu nhấn mạnh.
"Theo suy nghĩ của tôi chúng ta đang có chủ trương một việc không nên giao cho nhiều cơ quan sẽ dẫn đến sự chồng chéo hoặc có thể có khoảng trống. Thứ hai là hạn chế đến mức thấp nhất các cơ quan cơ quan hành chính phát sinh cũng như phát sinh các chi phí hành chính", đại biểu nêu quan điểm.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất chỉnh lý Khoản 1 Điều 49 về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ trong dự án luật từ "cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử" thành "Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thiết kế xây dựng một trung tâm phát hành và chứng thực chữ ký số phục vụ việc cấp và kiểm soát hộ chiếu gắn chip điện tử".
Khoản 2 điều chỉnh thành "Hướng dẫn việc quản lý, vận hành, khai thác trung tâm phát hành chứng thực chữ ký số phục vụ việc cấp kiểm soát hộ chiếu điện tử". Tức là Ban cơ yếu Chính phủ sẽ cung cấp phần mềm và hướng dẫn cách sử dụng, còn tất cả các phân tích khác có thể tính toán, đối chiếu lại các quy định trong các luật về cơ yếu, Luật Giao dịch điện tử để đảm bảo tính thống nhất trong vấn đề này.
Nhất trí với quan điểm trên, đại biểu Bùi Mậu Quân, đoàn Hải Dương đánh giá, để tránh chồng chéo nhiệm vụ, một việc do nhiều cơ quan làm, hạn chế phát sinh chi phí trong công tác chứng thư số, chứng thực chữ ký số thì cần xem lại Khoản 1 và 2 Điều 49 của dự án luật.
"Chúng tôi nghĩ rằng, việc đặt trung tâm chữ ký số ở Bộ Công an mà trực tiếp là Cục Quản lý xuất, nhập cảnh là hoàn toàn phù hợp với quy định của ICAO, tức là cơ quan hàng không quốc tế. Vì đây cũng là một cơ quan phát hành hộ chiếu nên việc đặt trung tâm chữ ký số ở cơ quan phát hành hộ chiếu là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với quy định", đại biểu nêu rõ và cho biết việc này không làm phát sinh thêm nhân sự, không làm phát sinh thêm kinh phí và cũng không làm phát sinh thêm phương tiện, nhất là đường truyền bởi lẽ hiện nay cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng đang sử dụng một đội ngũ cán bộ để làm việc này và có trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị và có đường truyền.
Cũng theo đại biểu, việc đặt trung tâm chữ ký số ở Bộ Công an còn phù hợp bởi lí do cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thường xuyên phải phát hành chữ ký số, đặc biệt cho những người có trách nhiệm, có thẩm quyền đảm bảo thường trực 24/24 và liên quan đến rất nhiều vấn đề về nghiệp vụ của lực lượng an ninh.
"Nếu đặt tại Ban cơ yếu Chính phủ thì sẽ làm phát sinh thêm bộ máy nữa, làm phát sinh thêm đường truyền từ Cục Quản lý xuất cảnh đến Ban cơ yếu Trung ương, liên quan đến nhiều vấn đề khác không hợp lý ở chỗ lực lượng thường trực 24/24 cũng làm phát sinh thêm bộ máy và phát sinh thêm kinh phí", đại biểu Bùi Mậu Quân nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó đại biểu đề nghị Quốc hội chỉnh lý Điều 49 của dự án luật theo hướng Ban Cơ yếu với vai trò phối hợp và hướng dẫn về nghiệp vụ đối với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh còn trung tâm này đặt tại cơ quan quản lý xuất cảnh.
.