Chủ Nhật, 18/08/2019, 07:02 [GMT+7]

Tăng cường công tác quản lý,bảo vệ và phát triển rừng

(Congannghean.vn)-Nghệ An hiện có 942.538.12 ha diện tích đất có rừng. Trong đó, có 796.685.32 ha rừng tự nhiên tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện Con Cuông, Thanh Chương, Anh Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, công tác này đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích, chất lượng, trữ lượng rừng ngày càng suy giảm tính đa dạng sinh học, một số loại gỗ, động vật rừng đang dần cạn kiệt.
Lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường 1 vụ khai thác rừng                                   trên địa bàn huyện Thanh Chương
Lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường 1 vụ khai thác rừng trên địa bàn huyện Thanh Chương
Trước tình hình đó, để triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 134 về thực hiện Chỉ thị nói trên. Trong quá trình triển khai, đơn vị đã chỉ đạo ban hành nhiều kế hoạch, công văn, điện để tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong toàn lực lượng để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời, lồng ghép với các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường đấu tranh phòng, chống phối hợp tuyên truyền gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, toàn dân tham gia bảo vệ rừng tại cơ sở.
 
Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) đã trực tiếp làm việc với 3 đội kiểm lâm cơ động và PCCCR trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Hạt kiểm lâm các huyện Tương Dương, Quỳ Châu; Vườn quốc gia Pù Mát; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt; Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, Quỳ Châu; Công an các huyện Quỳ Châu, Tương Dương… để theo dõi, nắm bắt tình hình về tình trạng chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm rừng. Bên cạnh đó, tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. 
 
Tính từ ngày 1/7/2018 - 30/6/2019, Phòng CSMT đã phát hiện, bắt 9 vụ, 15 đối tượng phạm tội và vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (trong đó có 5 vụ, 10 đối tượng mua bán, vận chuyển, săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm; 4 vụ, 5 đối tượng hủy hoại, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép). Thu giữ 4,212 m3 gỗ các loại, 36 cá thể ĐVHD và 174,223 kg ĐVHD cùng nhiều tang vật liên quan. Đơn vị đã tiến hành khởi tố 3 vụ, 4 bị can; xử lý hành chính và chuyển cơ quan chức năng xử lý hành chính theo thẩm quyền 6 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 153.500.000 đồng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số địa phương, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện các văn bản của cấp trên về công tác này. Lực lượng chức năng, các chủ rừng còn buông lỏng việc quản lý, bảo vệ rừng; chưa thực sự quyết liệt trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều vụ chặt phá rừng thường xảy ra tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn và phải đi qua các con đường độc đạo, dân cư ít qua lại; nhiều vụ việc diễn ra khá lâu mới được phát hiện… nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình tiếp cận hiện trường, tổ chức bắt giữ, điều tra, xử lý.
 
Ngoài ra, các đối tượng hoạt động chặt phá rừng rất manh động, liều lĩnh, sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng và sẵn sàng dùng vũ khí, hung khí chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ. Trong nhiều vụ việc, các đối tượng trực tiếp chặt phá rừng là người dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp và nhận thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị các đối tượng lợi dụng; quá trình điều tra nếu không thận trọng rất dễ phát sinh phức tạp về ANTT. Đặc biệt, quá trình điều tra các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng phải tiến hành giám định mẫu vật lâm sản thu được để có căn cứ, tuy nhiên thời gian giám định thường kéo dài do tính đặc thù riêng và được thực hiện bởi các đơn vị ngoài ngành, kinh phí chi trả giám định lớn.
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong thời gian tới, cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với công tác này. Trong đó, kết hợp giữa truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền cá biệt; thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng loại đối tượng, điều kiện thực tế; vận động nhân dân tích cực tố giác các hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan dân cử trong công tác giám sát cơ quan chức năng, chính quyền cấp huyện, xã thực hiện công tác quản lý Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Ngoài ra, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân tại các khu vực miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số để hạn chế vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
.

Ngọc Anh

.