Từ thực trạng các đối tượng lợi dụng di cư để tổ chức mua bán người, hiện nay, tại một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã có nhiều mô hình hay, cách làm có hiệu quả góp phần phòng ngừa tội phạm...
Những mô hình và cách làm hay
Một trong số đó phải kể đến mô hình giúp đỡ phụ nữ vượt khó vươn lên trong cuộc sống của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang, đã giúp nhiều nạn nhân của đường dây mua bán người vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống.
Trong số đó có trường hợp của chị Bùi Thị H. Chị đã được Hội Phụ nữ tạo điều kiện giúp đỡ cho học nghề, được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế. Với sự giúp đỡ của đoàn thể, chị đã vượt qua cú sốc cuộc đời, tìm được hạnh phúc mới cùng chồng và hai con.
Hay trường hợp của chị Nông Thị T. Năm 1993, chị bị dụ dỗ rủ đi làm ăn và bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau 2 năm lưu lạc, chị trở về nước. Ngoài gánh nặng về kinh tế, chị còn mang trong người mặc cảm và sự thiếu tự tin...
Được chị em phụ nữ trong chi hội gần gũi động viên nên dần chị cũng vơi đi mặc cảm, đồng thời bản thân chị chủ động chia sẻ với mọi người, giúp cho chị em phụ nữ xung quanh cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của bọn môi giới buôn bán người.
Công an tỉnh Lào Cai tổ chức hội đàm với Cục Công an châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc |
Chính vì vậy, nhiều năm nay chị em trong thôn không bị mắc bẫy của bọn lừa đảo. Bản thân chị tích cực, nhiệt tình tham gia công tác Hội và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Ở một số địa phương đã có nhiều mô hình góp phần phòng ngừa tội phạm. Điển hình như tại Lạng Sơn, ngày 10/2/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký kết "Thỏa thuận về hợp tác lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc" với thành phố Sùng Tả nhân dịp gặp mặt đầu xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Bí thư Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc).
Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới được ký kết nhằm góp phần hạn chế tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua biên giới làm thuê và tránh được các hệ lụy có liên quan đó là tình trạng mua bán người, buôn bán ma túy, tệ nạn mại dâm, lợi dụng đưa lao động đi làm việc để trục lợi…
Tại Hà Giang, nhằm tăng cường công tác quản lý lao động tự do đi Trung Quốc làm việc, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý lao động qua biên giới, đồng thời Sở đã có văn bản hướng dẫn và phối hợp cùng các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, do vậy tình hình lao động tự do sang Trung Quốc làm việc có xu hướng giảm.
Năm 2017, toàn tỉnh có trên 18.557 lượt lao động sang Trung Quốc làm việc, giảm 2.765 lượt so với cùng kỳ năm 2016. Nhìn chung, lao động đi tự do sang Trung Quốc làm việc có xu hướng giảm, quyền lợi của người lao động từng bước được bảo vệ, hạn chế các rủi ro.
Năm 2017, tỉnh đã tuyển dụng và cung ứng 318 lao động sang Trung Quốc làm việc theo Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới (do huyện Mèo Vạc đưa sang huyện Phú Ninh, Trung Quốc làm việc)....
Nâng cao công tác tuyên truyền, quản lý địa bàn
Để hạn chế tình trạng người xuất nhập cảnh trái phép có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn của hoạt động mua bán người.
Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng trao đổi thông tin để đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân bị mua bán, tập trung thông tin về các đối tượng tổ chức, môi giới, phương thức thủ đoạn nạn nhân bị mua bán.
Các lực lượng chức năng gồm Công an, Bộ đội Biên phòng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài ngay từ địa bàn làng xã, thôn bản.
Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động nắm tình hình, phòng ngừa có hiệu quả các loại tội phạm, chuyển hóa thành công địa bàn khu vực biên giới được xác định trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, hạn chế những nguy cơ phụ nữ tự rời khỏi địa phương, dẫn đến bị lừa bán.
Đề xuất một số kiến nghị, giải pháp, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết: Do số người xuất nhập cảnh trái phép có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nên cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức, thủ đoạn của hoạt động mua bán người; có chính sách tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân
Đa số công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép, nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài sang các nước giáp biên giới nên các cơ quan chức năng (Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát hình sự…) cần phối hợp trao đổi thông tin, xác định các tuyến xuất nhập cảnh, địa bàn trọng điểm trên các tuyến biên giới nghi vấn có hoạt động mua bán người để thực hiện các biện pháp đấu tranh, hạn chế tình trạng công dân xuất cảnh trái phép, nạn nhân bị mua bán; trao đổi kinh nghiệm điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến mua bán người.
Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng trao đổi thông tin để đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân bị mua bán, tập trung thông tin về các đối tượng tổ chức, môi giới, phương thức, thủ đoạn nạn nhân bị mua bán.
.