Tại dự thảo lần 2 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đề xuất quy định việc giới hạn chặt chẽ nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng đường bộ; tàu bay, tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường thủy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, dự thảo đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu vượt quá 30mg/100ml máu hoặc 0,15mg/l lít khí thở khi tham gia giao thông.
Phương án 2: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông.
Bộ Y tế cho biết, việc quy định như trên xuất phát từ thực trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông tại Việt Nam, trong đó rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới độ tuổi 15-49. Theo báo cáo của WHO (2014) tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Nghiên cứu của WHO trên 18.412 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50 mg/dl), 66,8% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0 mg/dl). Theo số liệu thống kê mới nhất, trung bình mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia. Thông tin từ Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong 4 ngày tết Mậu Tuất 2018 có gần 500 ca tai nạn giao thông nhập viện, trong đó hơn 60% có liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Bộ Y tế đang tiếp tục lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
.