(Congannghean.vn)-Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, năm 2015, Ủy ban sẽ tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, phấn đấu đạt mục tiêu kéo giảm 5-10% TNGT như Quốc hội đã giao.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng |
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trước thềm năm mới về những giải pháp Ủy ban sẽ thực hiện trong năm 2015.
Năm thứ 3 liên tiếp, TNGT giảm cả 3 tiêu chí
Ông đánh giá thế nào về công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) năm 2014?
Ông Khuất Việt Hùng: Được sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, năm 2014 tiếp tục là năm công tác bảo đảm trật tự ATGT có nhiều bước tiến triển đang khích lệ. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Lần đầu tiên trong nhiều năm, số người chết do TNGT đã giảm xuống dưới 10.000 người (năm 2014 giảm dưới 9.000 người).
Kết quả này đã một lần nữa khẳng định sự đúng đắn khi chúng ta chọn hệ thống những giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt; thực hiện giải pháp trọng tâm là siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện với đối tượng tác động chính là chủ phương tiện vận tải và người thực thi công vụ.
Kết quả của năm 2014 tạo cơ sở vững chắc để Quốc hội giao cho Ủy ban ATGT Quốc gia nhiệm vụ làm công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2015 với mục tiêu giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí trên tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.
2015 tiếp tục “siết” tải trọng phương tiện
Với những kết quả đã đạt được như vậy, trong năm 2015, để đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra là kéo giảm 5-10% TNGT, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tập trung vào những giải pháp nào?
Ông Khuất Việt Hùng: Sang năm tới, chúng tôi sẽ giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, bên cạnh việc tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và đánh giá thường xuyên về hoạt động này.
Khẩu hiệu năm 2015 sẽ tiếp tục là “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Việc triển khai tái cơ cấu ngành GTVT sẽ được tiếp tục trong năm 2015 để đưa thị trường vận tải trở về đúng cơ cấu.
Chúng ta phải xác định rõ: Đường bộ là gom hàng và gom khách cự li ngắn, trừ những tuyến độc đạo có thể chạy đến 500km; đường sắt là cự li trung bình-dài; đường thủy nội địa lấy vận tải hàng hóa làm trọng tâm; đường biển lấy vận tải xuất nhập khẩu làm trọng tâm; hàng không là phục vụ hành khách cự ly dài.
Chúng tôi cố gắng thực hiện mục tiêu đến năm 2020 vận tải hàng hóa đường bộ chỉ chiếm 54%, đường thủy nội địa phải là 32% (bao gồm cả vận tải ven biển), đường sắt phải tăng lên 4-5% về hàng hóa, hàng không cũng phải tăng lên gấp 3 lần hiện nay.
Khi thực hiện tái cơ cấu như vậy thì nguy cơ TNGT trong hoạt động kinh doanh vận tải sẽ giảm, vì người lái xe sẽ không phải chạy quãng đường quá dài, không phải chở quá tải, không bị áp lực kinh doanh vận tải. Những hàng siêu trường, siêu trọng khối lượng lớn chuyển sang phương thức vận tải khối lượng lớn, đường bộ chỉ dịch chuyển cự ly ngắn để gom hàng.
Năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành 2 công trình trọng điểm là Quốc lộ 1 chạy Bắc-Nam và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) thì nguy cơ TNGT trên 2 tuyến này sẽ giảm. Cùng với đó là hệ thống bảo đảm ATGT trên các tuyến đường như hệ thống giám sát, hệ thống cân tự động… sẽ được đưa vào hoạt động.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành có đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm ATGT.
Sẽ tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” |
Trọng tâm của nhiệm vụ này là đưa công nghệ thông tin vào quản lý, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành với nhau để phục vụ cho việc giám sát các hoạt động giao thông, xử lý vi phạm, tổ chức, điều khiển, phân luồng giao thông. Việc này sẽ nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức giao thông, công tác xử lý vi phạm và giảm được áp lực về nhân sự trong tuần tra kiểm soát.
Bên cạnh đó, Ủy ban vẫn chú trọng đến công tác giáo dục truyền thông. Bộ GD&ĐT sẽ là cơ quan chủ đạo cùng với Ủy ban thực hiện chiến dịch đội mũ bảo hiểm cho trẻ em với mục tiêu làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông bằng xe máy.
Chúng tôi cũng đẩy mạnh truyền thông đến cơ sở, về nông thôn và đặc biệt phải sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm tới, các tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo sẽ cùng đồng hành với Ủy ban để vận động tuyên truyền về công tác đảm bảo ATGT.
Năm 2015 chúng tôi cũng tập trung về cơ sở, về nông thôn, từ kiện toàn bộ máy đến truyền thông. Ngoài đẩy mạnh quá trình cứng hóa kết cấu hạ tầng, thì phải nâng cao ý thức của người dân ở tất cả các vùng miền, dân tộc, tôn giáo.
Công tác truyền thông luôn là biện pháp để đưa tất cả những giải pháp trên vào cuộc, bởi có con đường, có biển báo, có vạch sơn,… nhưng người dân không biết biển báo kia là gì, không biết con đường kết nối đến đâu, không biết xe nào đi trên đường này thì sẽ xảy ra tai nạn. Nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, vận động không bao giờ được ngừng nghỉ.
Việc Ủy ban ATGT Quốc gia giao chỉ tiêu đảm bảo ATGT cho từng địa phương có dẫn đến tình trạng các địa phương báo cáo “khống” để lấy thành tích không, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay, số liệu kênh tai nạn giao thông đầu tiên là của lực lượng Cảnh sát giao thông. Kênh thứ hai là từ các ban ATGT địa phương gửi lên. Đồng thời, tính minh bạch của sự việc càng ngày càng cao, nhất là có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông.
Với độ “mở” như thế này, thông tin về tai nạn giao thông sẽ khác. Năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối dữ liệu của Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Y tế, cơ quan bảo hiểm để chia sẻ thông tin với nhau.
Năm 2015 sẽ có sự kiểm tra chéo lẫn nhau để khắc phục được các vấn đề về thông tin. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ thống kê tai nạn giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế, dần dần sẽ khớp vào hệ thống chung. Vì vậy vấn đề về số liệu, tôi khẳng định sẽ ngày càng tốt hơn.
Cảm ơn ông!
.