Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói: “Câu hỏi này tôi xin gửi tới đồng chí Tổng thanh tra Chính phủ, đồng thời gửi tới đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”. Đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, đánh giá cao việc chúng ta liên tục đưa ra xét xử những vụ đại án tham nhũng. Kết quả xét xử các vụ án này đã khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, một cuộc chiến cam go, không kém gì chống lại ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Mới đây dư luận cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến vụ án Nguyễn Đức Kiên, một vụ án trong lĩnh vực ngân hàng có ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đại biểu, diễn biến và kết quả phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác vừa kết thúc hôm mùng 9/6 vừa qua đang còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn chất vấn: “Xin Tổng thanh tra Chính phủ đồng thời với cương vị là Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết các mức án đã tuyên đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác đã thực sự phù hợp với các tội danh mà cơ quan điều tra xác định, cơ quan công tố đề nghị chưa? Tại sao Nguyễn Đức Kiên cũng như hầu hết các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nhưng các mức án tuyên đều ở mức thấp trong khung đề nghị? Kết quả xét xử đó đã đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đã đủ tính răn đe, góp phần chặn đứng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và tội tham nhũng nói chung?”.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn chất vấn vụ Nguyễn Đức Kiên. (ảnh chụp qua màn hình). |
Do không thuộc thẩm quyền Tổng Thanh tra nên chất vấn này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ định Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời. Chánh án Trương Hòa Bình nói, đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên đã được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm, tòa án xét xử dựa trên nguyên tắc thông qua việc tranh tụng tại Tòa án để xem xét toàn diện tất cả các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội và đối chiếu với pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xét xử để làm oan cho người vô tội và cũng không để lọt tội phạm. Hội đồng xét xử đã tuyên một bản án đối với các bị cáo trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Viện kiểm sát truy tố với 4 tội, trong đó tội lừa đảo, theo Điều 139, Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 16-18 năm tù và Hội đồng xét xử đã tuyên 20 năm tù. Chánh án lý giải, đây là trường hợp phạm nhiều tội và theo Điều 50 của Bộ luật Hình sự thì tổng hợp mức án cao nhất là 30 năm tù. Hội đồng xét xử cũng đã khởi tố tiếp hai vụ án hình sự tại tòa và yêu cầu Viện kiểm sát phải tiếp tục xem xét trách nhiệm hình sự của nhiều trường hợp khác.như vậy là một bản án đã tuyên khá toàn diện. “Nếu như vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì tòa án sẽ tiếp tục xem xét theo trình tự phúc thẩm như quy định của pháp luật” - Chánh án nói.
Trong giờ giải lao, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của Nguyễn Đức Kiên đã rõ, vấn đề này cần phải được các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương thống nhất bởi mức án 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Kiên rõ ràng là chưa tương xứng, trong khi khung hình phạt cao nhất cho tội này là tù chung thân. Theo đó, Viện kiểm sát cần có kháng nghị bản án theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Nguyễn Đức Kiên và một số bị cáo để xét xử theo trình tự phúc thẩm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Liên quan vụ án này, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu chính kiến, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cần nghiêm túc xem xét lại. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho hay, vụ án Nguyễn Đức Kiên đưa ra xét xử được dư luận rất quan tâm bởi vụ án xảy ra trong thời gian dài liên quan hoạt động hệ thống ngân hàng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng, tuy nhiên mức án tòa tuyên đã khiến ông bất ngờ... Theo đại biểu, không chỉ ông mà nhiều đại biểu đều cho rằng mức án như vậy là thấp, chưa đúng luật và chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng hiện nay. “Tôi thấy, căn cứ hồ sơ vụ án, căn cứ diễn biến phiên tòa, nếu như bản án tòa tuyên cho bị cáo Kiên chưa thật sự phù hợp luật pháp thì trách nhiệm của VKS phải thực hiện quyền kháng nghị của mình. Một khi, bản án tuyên chưa phù hợp thì các cơ quan chức năng, trong đó có VKS phải thực hiện quyền pháp luật giao là kháng nghị bản án, để vụ án được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Ông đề nghị, hơn ai hết, VKS giữ quyền công tố tại Tòa và HĐXX hiểu rõ tội trạng từng bị cáo, hiểu rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên nghiêm trọng đến mức nào và bản án như thế có phù hợp không, có đủ sức giáo dục, răn đe không? Khi bản án chưa nghiêm minh, chưa thuyết phục thì trách nhiệm của VKS là phải kháng nghị bản án đó. Phải làm sao để người dân tin tưởng, không nghi ngờ “có vấn đề” trong xét xử. Nếu ta nói là xử nghiêm minh nhưng thực tế lại xử lý nhẹ, nói một đằng, làm một nẻo thì người dân sẽ mất niềm tin, điều đó rất nguy hiểm.
Đại biểu Bùi Văn Phương nói: “Vụ án này, tôi là đại biểu Quốc hội, tôi thấy không bình thường. Và cử tri có người nói với tôi là có điều gì đó bất thường phải xem lại. Tôi thấy, để nhân dân tin tưởng sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” tham nhũng, nên phát huy những gì đã làm được trong thời gian qua thì vụ án này cũng cần phải được lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến nhân dân. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc kỹ”. Theo ông, mức án 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thiếu nghiêm minh bởi hành vi lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ là đặc biệt nghiêm trọng, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc hơn