Như chúng ta đã biết, trong những năm gần đây, nợ xấu ngân hàng đang diễn biến phức tạp, riêng Nghệ An số tiền nợ xấu đã lên tới 2.500 tỷ đồng. Về nguyên nhân nợ xấu có cả chủ quan và khách quan trong đó sai phạm của cán bộ tín dụng ngân hàng đóng góp một phần không nhỏ.
Theo một Giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vinh thì để vay một khoản tiền, doanh nghiệp phải chi cho cán bộ ngân hàng (người trực tiếp làm hồ sơ, thẩm định tài sản thế chấp) từ 0,5% đến 1% tổng số tiền vay thì mới có thể giải ngân.
Đây được coi là luật bất thành văn trong thế giới ngân hàng cổ phần thương mại đối với những người vay. Không ít cán bộ ngân hàng đã bòn rút khách hàng bằng cách làm hồ sơ nâng số tiền cho vay rồi xin vay lại số tiền chênh lệch và nhờ khách hàng trả lãi hộ.
Điển hình của chiêu thức này là Nguyễn Sơn Hà - Nguyên trưởng phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phủ Quỳ khi làm hồ sơ cho vay, Hà trao đổi với khách hàng về việc mình đang cần tiền và nhờ khách hàng vay thêm cho mình một ít bằng tài sản thế chấp.
Cảnh sát điều tra lấy lời khai một cán bộ ngân hàng “dính chàm”
Nếu không đồng ý Hà sẽ làm khó dễ người đi vay nên phần lớn khách hàng của Hà buộc phải trích lại cho Hà vay một phần trong tổng số vay ngân hàng. Với chiêu thức đó Hà đã lừa của khách hàng hàng chục tỷ đồng rồi biến mất.
Có thể thấy các ngân hàng cổ phần thương mại đang buông lỏng quản lý với cán bộ mình. Trong công tác thanh tra của ngân hàng Nhà nước đối với việc nợ xấu đang diễn ra phức tạp, thanh tra đã phát hiện ra rất nhiều hồ sơ ảo dẫn đến khoản nợ khó đòi hoặc mất trắng.
Sai phạm dễ gặp nhất đối với cán bộ ngân hàng là nâng khống giá trị thực của tài sản thế chấp ngân hàng. Tài sản có thể chỉ là ngôi nhà cấp 4 nhưng trong hồ sơ xin vay vốn, cán bộ tín dụng hô biến thành nhà hai tầng để giúp khách hàng vay với số tiền lớn hơn tài sản thế chấp và ăn % của khách hàng.
Nhận được số tiền lớn hơn giá trị tài sản, khách hàng bỏ bê trả nợ dẫn tới nợ xấu ngân hàng. Với sai phạm này, hàng chục nhân viên tín dụng đã buộc phải thôi việc hoặc chuyển sang bộ phận thu hồi nợ.
“Cao thủ” trong việc lừa đảo ngân hàng có lẽ là trường hợp của cặp bạn thân Đặng Nam Hải (SN 1979) - nguyên Trưởng phòng cá nhân ngân hàng Eximbank Vinh và Nguyễn Chu Ngọc (SN 1977) - Nguyên Giám đốc một số doanh nghiệp tại Vinh và Hà Tĩnh.
Tài sản ảo các đối tượng dùng để lừa đảo ngân hàng
Lợi dụng chức vụ của mình, Hải đã “giúp” Ngọc thẩm định 7 bìa đất giả để Ngọc làm hồ sơ vay ngân hàng Eximbank hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Hải còn lợi dụng vị trí, uy tín của mình lập nhiều hồ sơ vay vốn ảo gây thất thoát cho Ngân hàng Eximbank gần 35 tỷ đồng.
Thực tế cũng cho thấy, cán bộ ngân hàng đang là nghề “hot” mà giới trẻ đang phấn đấu đạt được. Trong mắt người dân, cán bộ ngân hàng rất có uy tín nên không ít kẻ đã mượn “mác” cán bộ ngân hàng để lừa đảo.
Nguyễn Trọng Hưng (SN 1976) chỉ là cán bộ hành chính Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Nghệ An nhưng dựa vào “mác” cán bộ ngân hàng, chỉ trong hai năm 2010 và 2011 Hưng đã vay mượn của rất nhiều người với số tiền hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Tính trong năm 2011 và năm 2012, gần 10 cán bộ ngân hàng đã bị khởi tố hoặc bỏ trốn liên quan đến số tiền hàng trăm triệu đồng cho thấy sự báo động về công tác quản lý cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Cơn bão nợ xấu ngân hàng vẫn đang diễn biến phức tạp trong khi các ngân hàng đã có chủ trương mở rộng cho vay trở lại sau thời gian dài cho vay nhỏ giọt hoặc đóng băng.
Các ngân hàng cần rà soát lại cán bộ, nhân viên của mình và có những phương án cần thiết để cán bộ ngân hàng không có cơ hội gây nên những vụ việc phức tạp trong thời gian qua.
Nhóm P.V
.