Vậy nhưng, những chuyến đò đầy vẫn bất chấp sinh mệnh mong manh của người dân mà chòng chành qua sông. Nhất là mỗi khi vào mùa mưa lũ, an toàn cho những chuyến đò vẫn luôn là nỗi lo và trăn trở của các địa phương có đò dọc, đò ngang.
5 giờ, chúng tôi có mặt ở bến đò xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh kịp chuyến đò đầu tiên trong ngày chở học sinh đến trường. Theo quy định thì mỗi chuyến sang sông, đò chỉ được chuyên chở 12 người, vậy nhưng ở chuyến đò mà chúng tôi chứng kiến, chỉ sơ tính cũng hơn 50 học sinh chen chúc, nhốn nháo xuống đò, không em học sinh nào mang áo phao trên mình.
Khi được hỏi, lái đò Trần Đình Huynh (Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thú nhận: “Ngày nào cũng chuyên chở vài chuyến đò đầy thế này, nếu chấp hành luật thì hơn một nửa học sinh phải nghỉ học vì chậm giờ”. Cái lý của người vi phạm là vậy, nhưng khi Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hà Tĩnh xuống kiểm tra giấy tờ thì từ đăng kiểm cho đến chứng chỉ chuyên môn người lái đò đều không có.
Số áo phao trên đò cũng chỉ đủ cung cấp cho 1/5 số học sinh trên mỗi chuyến đò và được cất lẫn lộn với các dụng cụ khác ở đáy thuyền. Không biết lúc tai họa ập đến, liệu có ai kịp nhấc từng vật dụng ấy lên để… tìm kiếm áo phao cứu sinh hay không.
Những chuyến đò đầy ắp người vẫn chòng chành sang sông hàng ngày
Tại khu vực xóm 11, 12, 13 thuộc xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, những chuyến đò mà trên đó cùng lúc chuyên chở từ thầy, cô giáo, các em học sinh, người dân và dụng cụ làm đồng cho đến trâu bò, xe cộ từ bờ bên này sang bên kia sông vô cùng quen thuộc đối với mỗi người dân nơi đây.
Dường như sự tập trung chú ý của người lái đò ngang không phải là làm sao để đưa được từng ấy con người, gia súc và phương tiện qua sông một cách an toàn mà chỉ là tập trung xem trên đò còn khoảng trống nào để có thể chen chân lên được nữa hay không.
Trường học, ruộng đồng, chợ búa và các công trình phương tiện khác đều ở bên kia sông nên những chuyến đò ngang luôn gắn chặt với đời sống người dân nơi đây. Cả xã có 4 đò ngang, riêng khu vực xóm 11, 12, 13 với hơn 1.000 nhân khẩu cũng chỉ một con đò chuyên chở. Học sinh muốn tới trường học đúng giờ thì phải ra sông đợi đò từ 4 giờ. Bắt đầu vào mùa mưa lũ thì các em phải nghỉ học cả tuần.
CSGT đường thủy tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về ATGT
Còn người dân đi làm đồng thì tất tần tật các sản phẩm nông nghiệp đều phải chất lên đò và phó thác cho người lái đò. Vậy nên, trong suốt quãng đường chồng chềnh trên sông, người dân và bác lái đò đã bao lần phải lặn ngụp giữa dòng nước để cùng vớt vát những nông phẩm không may bị lật đò chìm xuống lòng sông.
Cứ vậy, cách trở đò ngang không chỉ làm dài thêm con đường tìm đến tri thức của người dân Hương Thủy mà dường như cuộc sống mưu sinh của họ cũng cứ bập bềnh, lay lắt theo những chuyến đò đầy. Giấc mơ về một cây cầu bắc qua sông lại cứ ám ảnh mãi trong câu chuyện của mỗi người dân nơi đây.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân qua lại trên khúc sông này, phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an Hà Tĩnh và Cảnh sát giao thông Công an huyện Hương Khê đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, vận động người dân mặc áo phao cứu hộ nhưng khi vắng lực lượng chức năng thì những chiếc áo phao lại vắng bóng trên tất cả các chuyến đò. Con đò mỏng mảnh lại tiếp tục oằn mình chở cả ngàn người chòng chành với cuộc mưu sinh.
Đồng chí Lê Xuân Thủy - Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy Công an Hà Tĩnh cho biết: Năm 2011, lực lượng tuần tra kiểm soát Cảnh sát giao thông đường thủy đã lập biên bản 383 trường hợp vi phạm luật giao thông đường thủy nội địa, chủ yếu vi phạm các lỗi: phương tiện không có đăng ký, không có đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng thuyền trưởng, không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện chở quá số người quy định, phương tiện khai thác cát trái phép.
Số liệu này cho thấy, thực tế còn khá nhiều phương tiện thiếu an toàn kỹ thuật nhưng vẫn lén lút hoạt động. Hàng trăm đò dọc, đò ngang thiếu an toàn và thường chở quá tải vẫn liên tục đưa rước khách hằng ngày trên hầu khắp các địa bàn. Với thực trạng ấy, tai nạn và các vi phạm về an toàn giao thông đường thủy luôn là điều khó tránh khỏi và là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng tại các địa phương có đò dọc, đò ngang.
Không còn sự lựa chọn nào khác, những người dân nghèo lại phó thác sinh mạng và tài sản của mình cho những chuyến đò chênh chao. Lớn lên ở vùng sông nước, hơn ai hết, người dân hiểu được những bất cập và hiểm nguy đang hằng ngày rình rập bản thân, gia đình và con em mình. Nhưng nếu không chấp nhận đặt chân lên những chuyến đò “ngàn cân treo sợi tóc” ấy thì đồng nghĩa với việc con đường đến với tri thức, đến với văn minh hay đơn giản hơn là con đường kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày của gia đình họ cũng bị cắt đứt hoàn toàn.
Việc chủ động chấp hành nghiêm luật giao thông đường thuỷ nội địa để đem lại an toàn cho mỗi chuyến đò sang sông thì hầu như chủ đò nào cũng biết, nhưng thực hiện hay không thì câu trả lời vẫn còn neo lại ở từng chuyến đò quá tải hằng ngày oằn mình qua sông.
Ánh Hồng - Đình Vũ
.