Vào lúc 19h35’ hôm nay (11/11) (giờ Hà Nội), người yêu thiên văn có thể quan sát được sao Thủy khi hành tinh này nằm thẳng hàng giữa Trái đất và Mặt trời, hiện tượng chỉ xảy ra khoảng 13 lần trong 100 năm.
Hình ảnh minh họa hiện tượng sao Thủy đi ngang qua Mặt trời của NASA |
Các nhà thiên văn khuyến cáo người quan sát không nên nhìn trực tiếp vào Mặt trời mà không có thiết bị bảo vệ để tránh làm hỏng mắt. Nhìn từ Trái đất, chấm đen sao Thủy có độ rộng bằng 1/160 đĩa Mặt Trời, do đó người quan sát cần công cụ hỗ trợ quan sát như kính lọc tia cực tím để theo dõi.
Do bay quanh quỹ đạo gần Mặt trời hơn Trái đất nên sao Thủy và sao Kim là 2 hành tinh mà chúng ta có thể quan sát được sự kiện này. Với quỹ đạo 88 ngày, cứ khoảng 4 tháng sao Thủy lại đi qua giữa Mặt trời và Trái đất. Tuy nhiên, quỹ đạo của sao Thủy nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái đất nên phần lớn thời gian, hành tinh này đi qua phía trên hoặc phía dưới đĩa Mặt trời khi nhìn từ vị trí của chúng ta.
Sự kiện sao Thủy quá cảnh chỉ xảy ra 13-14 lần trong một thế kỷ. Lần gần đây nhất sự kiện tương tự diễn ra là vào năm 2016. Sau năm nay, chúng ta sẽ phải chờ tới tháng 11/2032 để quan sát sao Thủy đi qua phía trước Mặt trời.
Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt trời với đường kính đạt 4.800 km, so với đường kính của Mặt trời là 1,4 triệu km. Trong khi đó, Trái đất có đường kính khoảng 12.800 km.
.