(Congannghean.vn)-Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 06, lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) của Nghệ An đã có bước chuyển quan trọng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển KT- XH của địa phương.
Diễn đàn khởi nghiệp cần được duy trì và tổ chức thường xuyên |
Ngày 14/12/2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về “Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Đây là lần đầu tiên, KHCN có nghị quyết riêng và toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Gắn Nghị quyết 06 vào Nghệ An trong 2 năm qua có thể thấy, nhận thức của các sở, ngành và địa phương đã được nâng lên, xem đây là nguồn lực thiết thực vào phát triển KT-XH. Hoạt động KHCN đã có bước chuyển, hướng vào 6 chương trình trọng điểm và trong mỗi chương trình đó có xác định nội dung ưu tiên cho từng năm, khắc phục tình trạng dàn trải. Hoạt động KHCN lấy doanh nghiệp làm chủ thể, hiện có 80 - 90% dự án KHCN do doanh nghiệp chủ trì triển khai. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN của tỉnh được quan tâm đầu tư. Cùng với chương trình sở hữu trí tuệ đã góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm xứ Nghệ.
Trên cơ sở đó, chất lượng hàng hóa sản xuất nội tỉnh từng bước được nâng lên, một số mặt hàng đã khẳng định thương hiệu như nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng, bia, đường, sữa... Đặc biệt là khởi động và triển khai tốt chương trình 100 sản phẩm là cây con đặc sản, đặc thù, cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có tác động KH&CN nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, đã có 46 sản phẩm được tác động KH&CN nhiều chiều; có 47 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ hoặc chấp nhận đơn hàng và đang chờ cấp văn bằng. Các sản phẩm đã ra thị trường, tạo được thương hiệu của Nghệ An, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhiều công nghệ tiên tiến đã và đang áp dụng hiệu quả: Công nghệ sản xuất gỗ ván sợi MDF của Công ty Cổ phần gỗ MDF Nghệ An; Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn; Khu công viên điện năng lượng mặt trời của Công ty CP Điện năng lượng mặt trời Sunpower. Hiện, đã có 87 đề tài, dự án được triển khai trong 3 năm 2017 - 2019, trên 6 lĩnh vực trọng điểm ưu tiên đầu tư gồm: Nông nghiệp công nghệ cao; khoa học xã hội và nhân văn; y dược; KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành, thị, công nghệ thông tin và môi trường; đã mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh chính thức khởi động với Quyết định 2171 của UBND tỉnh về “Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”. Cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và các trường đại học, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bước đầu có kết quả. Các dự án hầu hết đã đi vào ứng dụng thực tế, có những sản phẩm đã cho ra thị trường với tính thương mại cao. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 15%, công nghệ sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh được đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%.
Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm KH-CN của khu vực Bắc Trung Bộ vẫn đang gặp khó. Công tác huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực KHCN chưa cao; trong khi đó nguồn ngân sách đầu tư cho KHCN hạn chế, chưa đảm bảo 2% tổng nguồn chi ngân sách theo Luật KH&CN (hiện tại chưa đầy 0,5%). Tính mất cân đối về đội ngũ KHCN chủ yếu tập trung vào ngành nông nghiệp, giáo dục và thiếu đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu về quản lý kinh tế, KHCN dược, công nghệ chế biến, công nghệ sinh học.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 25 doanh nghiệp và 25 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, song tổng nguồn lực đầu tư mới chỉ đáp ứng con số rất nhỏ. Tính đến hết năm 2018, chỉ có 8 doanh nghiệp Nghệ An được cấp giấy chứng nhân KH&CN. Trong khi đó, chương trình 100 sản phẩm có tác động KHCN mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa tạo những sản phẩm có sức lan tỏa và “bật” ra khỏi địa phương. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.
Để KH-CN trở thành động lực để phát triển KT-XH của Nghệ An, việc đẩy mạnh liên kết 3 nhà gồm Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nghiên cứu là yếu tố sống còn. Đồng thời, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài hợp tác, hỗ trợ giải quyết “bài toán” cụ thể của Nghệ An; thúc đẩy tiếp tục xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh, lan tỏa và phát triển mạnh thị trường KH-CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.