(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến sản xuất truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được xem là định hướng phát triển đúng đắn và cấp thiết. Nghệ An được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực này. Thời gian tới, NNCNC hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá lớn nếu được kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách.
Công nhân thu hái rau má được trồng theo mô hình dược liệu sạch của Tập đoàn TH |
Tiềm năng còn “bỏ ngỏ”
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhu cầu các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng ngày càng cao. Đi liền với đó là yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tính an toàn vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, Nghệ An đặc biệt quan tâm tới việc thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là DN phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Công ty CP sữa Vinamilk, Công ty CP thực phẩm sữa TH, Công ty CP sản xuất - cung ứng rau quả sạch quốc tế, Công ty Nông công nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ.
Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất NNCNC đã được hình thành tại nhiều địa phương và mang lại hiệu quả cao như vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP tại các xã bãi ngang huyện Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai; sản xuất lúa giống chất lượng cao tại huyện Yên Thành; nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu...
Không thể phủ nhận những kết quả bước đầu mà sản xuất NNCNC mang lại; tuy nhiên, lĩnh vực này được đánh giá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tính đến đầu tháng 11/2017, tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh còn khá khiêm tốn (9.502 ha), chiếm 3,4% diện tích canh tác nông nghiệp. Trong khi đó, giá trị sản xuất bình quân cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Nhìn chung, việc sản xuất NNCNC mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng tiến bộ KHKT về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Việc ứng dụng hầu hết mới chỉ dừng lại ở từng khâu như chọn giống, khâu tưới hay khâu nhà lưới... mà “bỏ ngỏ” khâu chế biến, tiêu thụ. Cùng với đó, quá trình áp dụng tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến vẫn còn hạn chế. Hình thức tổ chức sản xuất còn tồn tại kiểu “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến tính liên kết giữa DN với người dân, hợp tác xã chưa cao. Đặc biệt, cơ chế kiểm soát sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng còn yếu.
Tạo cú hích
Việc phát triển NNCNC được Nghệ An đặc biệt quan tâm với mục tiêu đưa tỉ trọng giá trị sản xuất lĩnh vực này chiếm khoảng 15 - 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để hiện thực hóa điều đó, yêu cầu đặt ra là phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách liên quan đến vốn, quỹ đất, sự liên kết giữa các “nhà” cũng như hình thức sản xuất. Trong đó, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Đơn cử như việc kiện toàn lại các HTX, xây dựng các HTX chuyên ngành về rau, cây ăn quả, chăn nuôi... và tăng cường sự hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với DN, trong đó DN giữ vai trò trung tâm, là “đầu tàu” của chuỗi giá trị sản xuất NNCNC. Về mặt chính sách, phải hỗ trợ nhà lưới, hỗ trợ địa điểm bán hàng theo chuỗi cho các DN.
Được biết, Sở NN&PTNT đã có đề xuất với UBND tỉnh và HĐND tỉnh về việc dành nguồn hỗ trợ địa điểm kinh doanh bán hàng theo chuỗi: khoảng 3 triệu đồng tiền địa điểm/tháng; về nhà lưới, không quá 300 triệu đồng/mô hình, tối thiểu 1.000 m2. Liên quan đến tư liệu sản xuất, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất NNCNC quy mô lớn.
Một yêu cầu cần thiết khác là cần triển khai quy hoạch sản xuất cụ thể trên từng vùng. Theo khảo sát, hiện có 4 nhóm thực phẩm có sức tiêu thụ lớn là rau củ quả, sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, thức uống sạch chất lượng cao và thực phẩm chức năng. Trên cơ sở đó, cần có dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để định hướng cho nông dân sản xuất những sản phẩm thị trường có nhu cầu. Về tư liệu phục vụ sản xuất, nên có cơ chế cho DN thuê đất với thời gian lâu hơn (hiện là 5 năm).
Tại Hội thảo quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được tổ chức vào sáng 9/12 vừa qua, nhiều ý kiến cũng đề cập đến tính cấp thiết của việc ban hành biện pháp ngăn chặn các DN chuyển đổi, sử dụng sai mục đích các diện tích sản xuất NNCNC. Cùng với đó, lưu tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Nghệ An, khuyến khích một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch.
Để lĩnh vực NNCNC phát triển bền vững, một trong những yếu tố then chốt chính là việc đào tạo nông dân về trách nhiệm cam kết nhằm đảm bảo chuỗi giá trị hàng hóa không bị phá vỡ. Cùng với đó, cần tăng cường phổ biến kiến thức, năng lực sản xuất, quản trị nông nghiệp cho người nông dân, để họ không bị lạc lõng trên chính sân chơi của mình.