(Congannghean.vn)-Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân - giải pháp trọng tâm để giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH là mục tiêu mà tỉnh nỗ lực thực hiện trong những năm qua đã đạt được kết quả bước đầu.
Tư vấn, kết nối cung - cầu việc làm đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm cho người lao động - ảnh: CTV |
Thực hiện Đề án Giải quyết việc làm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 150.510 người (đạt 100,47% kế hoạch), trong đó xuất khẩu lao động (XKLĐ) 53.174 lao động (tăng 15,4 % so với giai đoạn 2010 - 2014).
Hàng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 37.000 lao động. Chất lượng lao động từng bước được nâng cao, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 đạt 61% (tăng 6% so với năm 2015). Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ lệ lao động ngành nông, lâm, ngư, nghiệp giảm từ 59,5% xuống 51%; tỉ lệ lao động ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 22% lên 23,8%; tỉ lệ lao động ngành dịch vụ tăng từ 18,5% lên 25,2%. Giai đoạn 2015 - 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo 301.534 lượt người; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 48% lên 55,5% (vượt kế hoạch 1,96%). Việc thúc đẩy hoạt động ký kết với các doanh nghiệp đã được các cơ sở đào tạo chú trọng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong quá trình thực tập và tìm kiếm việc làm. Nhờ vậy, tỉ lệ học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt 93,1%.
Một kết quả nổi bật khác trong thực hiện Đề án Giải quyết việc làm tỉnh giai đoạn 2015 - 2018 là công tác XKLĐ. So với năm 2017, kết quả XKLĐ năm 2018 đạt cao hơn và vượt mức kế hoạch đề ra, với việc đưa 13.655 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện, tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng gần 61.000 người. Nghệ An là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ. Nguồn thu nhập từ XKLĐ chuyển về tỉnh hàng năm ước đạt 255 triệu USD/năm. Bên cạnh “mảng sáng” nói trên, bức tranh XKLĐ của tỉnh vẫn còn một số tồn tại đáng lưu tâm như số lao động qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa cao; lao động đi làm việc có thời hạn tại các nước còn thấp; khả năng tiếp cận những thị trường có thu nhập cao còn hạn chế.
Theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một hạn chế khác trong thực hiện Đề án giải quyết việc làm của tỉnh là số lao động chưa có việc làm còn nhiều hoặc có việc làm nhưng thiếu ổn định, bền vững; chất lượng đào tạo nghề chưa cao, chất lượng nguồn lao động nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Để giải quyết tình trạng trên, giải pháp đặt ra để bố trí việc làm cho người lao động sau khi đào tạo là đẩy mạnh kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các khu kinh tế, khu công nghiệp. Cùng với đó, huy động và thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động vay vốn giải quyết việc làm. Một giải pháp mang tính gián tiếp khác là cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm tạo nhiều việc làm mới cho người lao động…
Về công tác XKLĐ, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành liên quan có hình thức khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp XKLĐ có khả năng, uy tín mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động; đồng thời, chú trọng công tác mở rộng thị trường XKLĐ, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người lao động tại Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Bên cạnh các giải pháp nói trên, để chất lượng và số lượng lao động đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, yếu tố quan trọng là bản thân người lao động cần tự trang bị tay nghề trước khi có nhu cầu được tuyển dụng.