(Congannghean.vn)-Công tác tái định cư (TĐC) khi xây dựng các công trình thủy điện là vấn đề hệ trọng, bởi nếu thực hiện không tốt có thể gây ra nhiều hậu quả cả về KT-XH và tình hình ANTT trên địa bàn. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho các hộ dân thuộc diện TĐC của các dự án thủy điện.
Việc quy hoạch các dự án thủy điện phải được nghiên cứu kỹ trên cơ sở phù hợp với quy hoạch KT-XH của địa phương |
Hiện, trên địa bàn huyện Quế Phong có 10 dự án thủy điện đã được các cấp có thẩm quyền cho phép chủ trương để thực hiện, trong đó có 4 dự án đã đưa vào vận hành, hoạt động. Điển hình như, thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế lớn 180MW, nằm trong chương trình trọng điểm phát triển KT-XH, an toàn điện năng của quốc gia, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng. Từ dự án, 13 khu TĐC theo các tiêu chí nông thôn mới phục vụ việc di dời người dân đã hình thành.
Thời gian đầu tiến hành công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư và địa phương đã phối hợp tốt, đảm bảo trả đủ, đúng theo chính sách Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sau một thời gian dài sử dụng, một số hạng mục tại các điểm TĐC đã hư hỏng, các hạng mục giao đất ruộng tại một số điểm TĐC chưa hoàn thành. Cũng liên quan đến các dự án thủy điện trên địa bàn, đã phát sinh nhiều đơn thư, phản ánh của người dân. Trong đó, phần lớn đã được huyện phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Còn tại huyện Kỳ Sơn, trên địa bàn hiện có 3 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang xây dựng, 3 dự án đang trong quá trình khảo sát và 1 dự án xin đưa vào quy hoạch. Liên quan đến 3 dự án đã phát điện trên sông Nậm Mộ thuộc xã Tà Cạ, mỗi năm bình quân các dự án xả đáy 2 - 3 lần song khi xả đáy, các chủ đầu tư thường không thông báo kịp thời nên đã gây tác động xấu đến đời sống người dân, đặc biệt là những người mưu sinh ở vùng hạ lưu sông.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác là việc triển khai các dự án thủy điện đang thu hẹp diện tích lúa nước của toàn huyện, trong khi diện tích này vốn rất ít, chỉ hơn 300 ha, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, quyền lợi của một số người dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi một số dự án thủy điện “treo” khi các chính sách ưu tiên cho các đối tượng này không thực hiện được trong mấy năm nay. Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự trên địa bàn huyện Tương Dương, với 5 dự án thủy điện đã và đang triển khai.
Đáng lưu tâm là việc thực hiện chính sách bồi thường, TĐC, đảm bảo sinh kế cho người dân TĐC, vận động các hộ dân ở trong lòng hồ chưa di dời đến khu TĐC và các hộ dân ở các khu TĐC quay về địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Không chỉ vậy, quá trình thực hiện một số dự án còn để xảy ra bất cập như khi thực hiện tích nước, do bản bị ngập nên người dân phải di tản, gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính. Cùng với đó, cũng xảy ra tình trạng một số đoạn đường giao thông bị sụt lún… do quá trình trên.
Trước những bất cập nói trên, HĐND tỉnh đã tổ chức chương trình giám sát việc thực hiện quy hoạch, kết quả và hiệu quả xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn. Qua đó, đề nghị chủ đầu tư các nhà máy thủy điện cần quan tâm đầu tư, sửa chữa các công trình dân sinh đã xuống cấp; thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đảm bảo an toàn hồ đập; điều tiết nước, xả lũ, chống hạn, chủ động xử lý kịp thời mọi sự cố xảy ra; đồng thời có phương án hỗ trợ, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân.
Các chương trình giám sát của HĐND tỉnh cũng ghi nhận nhiều ý kiến, băn khoăn của chính quyền địa phương nơi có các dự án thủy điện đóng chân. Trong đó nổi lên vấn đề đảm bảo cuộc sống ổn định và sinh kế lâu dài cho người dân, bởi trên thực tế việc thực hiện chính sách về đất sản xuất cho người dân còn nhiều vướng mắc. Chất lượng đầu tư một số công trình giao thông, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở của người dân còn thấp, đòi hỏi phải có ngân sách và nguồn hỗ trợ từ chủ đầu tư để duy tu, bảo dưỡng…
Ngoài ra, lãnh đạo một số địa phương cũng bày tỏ ý kiến và mong muốn không đầu tư dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, tác động xấu đến môi trường trên địa bàn. Cùng với đó, các cơ quan cấp trên cần xem xét dự án nào phải di dời nhiều hộ dân và không cải thiện sinh kế của người dân thì không nên tiếp tục triển khai để tránh việc phải giải quyết nhiều hệ lụy trong quá trình vận hành các dự án.
Từ những bất cập và thực tế nói trên đặt ra yêu cầu, việc quy hoạch các dự án thủy điện phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo, phù hợp với quy hoạch KT-XH của địa phương nhằm tránh mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình khai thác, vận hành, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền núi hiện nay.