(Congannghean.vn)-Tại huyện Quỳnh Lưu, tình trạng giết mổ gia súc tại gia diễn ra khá phổ biến, kéo theo đó là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng này đang là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo thống kê, huyện Quỳnh Lưu hiện có 228 cơ sở nhỏ lẻ, tự phát thường xuyên thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm bán ra các chợ. Các cơ sở, điểm giết mổ này đều nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức như giết mổ tại nhà, tại hộ chăn nuôi... Hầu hết các cơ sở giết mổ đều không có giấy phép kinh doanh; không kiểm soát giết mổ theo quy định; không đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, ATVSTP. Đặc biệt, nguồn nước thải trực tiếp xả ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
Việc giết mổ và thái cắt thịt đều được các gia đình thực hiện ngay trên nền xi măng, không đảm bảo vệ sinh |
Chúng tôi có mặt tại cơ sở giết mổ lợn của gia đình chị Lê Thị Thoa ở khối 11, thị trấn Cầu Giát khi đang chuẩn bị giết mổ 2 con lợn để kịp cung cấp thịt cho các nhà hàng và chợ trên địa bàn. Chị Thoa cho biết, cơ sở của chị mỗi ngày giết mổ 2 - 3 con lợn nên phải làm từ rất sớm để kịp cung cấp cho khách hàng. Theo quan sát của chúng tôi, tại lò mổ, lợn sống được tập kết ngay tại khu vực giết mổ; việc giết mổ vẫn được thực hiện dưới nền nhà xi măng; khu vực giết mổ và pha thịt ngay sát cạnh nhau; nước thải sau giết mổ thải trực tiếp ra kênh thoát nước của khu dân cư.
Tương tự, lò mổ của bà Nguyễn Thị Trắc ở thôn 6, xã Quỳnh Hồng mỗi ngày giết mổ 1 - 2 con lợn, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn xã. Do số lượng ít nên việc giết mổ thường được thực hiện tại nhà để đỡ chi phí tiền xăng, điện, nước, phí kiểm dịch. Việc giết mổ đều thực hiện lấy phủ tạng ngay trên sàn, không đảm bảo vệ sinh. Lợn sau khi giết mổ, làm sạch vẫn để chung dưới nền sàn với lợn đang giết mổ và không được kiểm soát thú y theo quy định.
Ngoài các cơ sở giết mổ tại các khu dân cư, tại các chợ đầu mối hoặc chợ tạm cũng có rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh. Đi một vòng quanh chợ Giát có thể dễ dàng nhận thấy, các loại gà, vịt sống được cắt tiết, làm lông, mổ xẻ ngay tại nơi bán và chỉ có 1 nồi nước sôi dùng chung cho cả ngày, một vài chiếc chậu đựng nước để vặt lông đã bẩn và không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra thú y theo quy định... Tình trạng này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Để kiểm soát tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tự phát, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, năm 2014, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có Quyết định số 1040 ngày 9/6/2014 về quy hoạch khu giết mổ tập trung của huyện tại 5 xã: Quỳnh Hồng, Quỳnh Văn, Quỳnh Châu, Quỳnh Lương, Sơn Hải. Đến cuối năm 2016, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng được 1 khu giết mổ tập trung ở xóm 7, xã Quỳnh Hồng với tổng kinh phí 1,3 tỉ đồng, diện tích sử dụng 1.500 m2 và công suất thiết kế trung bình mỗi ngày giết mổ từ 30 - 40 con lợn và 10 - 15 con bò. Đặc biệt, khu giết mổ này nằm ở vị trí rất thuận lợi, ngay tại cánh đồng Vùng Hói cạnh đường liên xã Quỳnh Hồng - Quỳnh Hưng, đảm bảo nguồn nước, vệ sinh, xa khu dân cư. Mặc dù đã xây dựng xong hơn 1 năm nhưng đến nay, lò mổ này vẫn đóng cửa vì không có người đưa gia súc vào giết mổ.
Ông Hồ Nghĩa Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng cho biết, nguyên nhân lò giết mổ chưa thể đi vào hoạt động như kế hoạch, một phần là do người dân chưa quen với việc đưa về giết mổ tại lò giết mổ tập trung, vì nếu làm ở nhà thì có thể tận dụng được nhân lực, nguyên liệu tại chỗ. Nguyên nhân thứ hai là do người dân ngại nạp phí lò mổ, mỗi con lợn khi đưa vào giết mổ tại lò phải trả 28.000 đồng, mỗi con bò là 50.000 đồng, trong khi nếu giết mổ ở nhà thì không phải nạp số tiền đó. Nguyên nhân thứ ba tuy không nhiều nhưng vẫn tồn tại đó là người dân ngại đưa vào lò tập trung vì sợ không trộn lẫn gia súc nhiễm dịch bệnh được, bởi tại đây luôn có lực lượng chức năng kiểm soát, kiểm dịch nên gia súc đưa vào phải đảm bảo sạch bệnh, khỏe mạnh.
Có thể thấy, công tác quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đã khó thì việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở này dường như cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của các địa phương và cơ quan chức năng. Ông Đậu Đăng Định, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết: Từ đầu năm đến nay, Đoàn liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra ATVSTP tại 11 cơ sở trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; xử phạt hơn 20 triệu đồng. Thời gian tới, Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ; qua đó hướng dẫn, vận động bà con vào làm ở các lò giết mổ tập trung, nếu giết mổ nhỏ lẻ thì phải đăng ký đảm bảo vệ sinh thú y và ATVSTP đối với người tiêu dùng.
Cũng theo ông Định, để công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của cấp chính quyền địa phương. Trước mắt, huyện đang chỉ đạo các địa phương tiến hành khảo sát lại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, nếu cơ sở nào đảm bảo khoảng cách xa khu dân cư, vệ sinh môi trường thì sẽ cấp giấy chứng nhận hoạt động. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.