(Congannghean.vn)-Giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là phương thức quan trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng về sức khỏe. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác giám sát ATTP, qua đó góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Lực lượng chức năng bắt giữ xe khách vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc - Ảnh: Nguồn internet |
Hiện nay, hệ thống kiểm tra ATTP được phân theo chức năng của 3 Bộ: Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương. Để quản lý chất lượng ATTP đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, việc lấy mẫu giám sát có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác này, các địa phương đang gặp không ít khó khăn.
Đơn cử như TP Vinh. Tính đến đầu năm 2018, thành phố có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn, với hơn 32.000 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống… và 14 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Thời gian qua, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm về ATTP còn gặp nhiều khó khăn do chưa có đầy đủ trang thiết bị, mẫu thử để xét nghiệm, phân tích.
Cùng với đó, công tác quản lý, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn TP Vinh nói riêng và cả tỉnh nói chung vẫn còn khó khăn do thiếu phương tiện, máy móc kiểm định thực phẩm an toàn, trong đó có các phương tiện, máy móc dùng để phát hiện nhanh kết quả khi lấy mẫu các loại thực phẩm. Bởi vậy, các mẫu phải gửi ra các trung tâm kiểm định của Trung ương, chi phí cao và mất nhiều thời gian.
Cũng trong thời gian qua, việc kiểm tra thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, chế biến được thực hiện chủ yếu về mặt hành chính, căn cứ vào giấy tờ đăng ký kinh doanh. Những nguyên nhân trên dẫn đến thực trạng công tác giám sát chất lượng ATTP vẫn chưa phát huy được hiệu quả, ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người dân.
Trước vấn nạn thực phẩm “bẩn”, thời gian qua, trên thị trường lưu hành nhiều loại máy đo ATTP được xem như “bảo bối” bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại máy này chỉ đo được thành phần nitrat trong thực phẩm mà không thể đo được toàn bộ dư chất như: Hàn the, thuốc trừ sâu… nên sẽ không phân biệt được thực phẩm sạch hay không sạch. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa ra thị trường, chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng “ma trận” những loại máy móc không đủ chức năng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo ATVSTP, thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh, công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đã được các địa phương chú trọng triển khai, với sự vào cuộc của nhiều tổ chức hội, đoàn thể. Điển hình như việc thành lập tổ hợp tác "sản xuất và tiêu thụ rau an toàn" tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Theo đó, các thành viên thực hiện việc phun thuốc cho rau từ hỗn hợp tỏi, rượu, ớt cay và nói không với thuốc trừ sâu hóa học.
Nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn góp phần quan trọng đẩy lùi vấn nạn thực phẩm “bẩn” |
Ngoài xây dựng các tổ, nhóm sản xuất rau an toàn, Hội phụ nữ các cấp còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa và thiết thực như các gian hàng trưng bày và giới thiệu thực phẩm sạch đến người dân, xây dựng và nhân rộng phong trào “3 sạch”: Sản xuất sạch, chế biến sạch và sử dụng thực phẩm sạch...
Cũng trong thời gian qua, các chương trình khởi nghiệp của thanh niên từ thực phẩm sạch cũng tạo được sự lan tỏa rộng rãi. Đơn cử như mô hình "Cửa hàng thực phẩm sạch Thanh niên" tại khối Hòa Bắc, thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương vừa khai trương vào tháng 12/2017, là ý tưởng do Huyện đoàn và CLB Thanh niên lập nghiệp huyện Tương Dương thực hiện.
Thời gian tới, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, ngoài việc đầu tư trang thiết bị cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, địa phương với người dân trong việc giám sát ATVSTP, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kiểm soát xác nhận thực phẩm an toàn và phát triển hệ thống phân phối đảm bảo để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đối với các hộ nhỏ lẻ, chính quyền cấp xã cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản an toàn.
Trước vấn nạn thực phẩm “bẩn” vẫn còn “nóng” như hiện nay, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đang rất nỗ lực vào cuộc nhằm đem đến nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần từ bỏ thói quen mua sắm chuộng giá rẻ và không quan tâm đến xuất xứ sản phẩm để thực phẩm “bẩn” không có cơ hội len lỏi vào các bữa ăn của gia đình.