(Congannghean.vn)-Khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát, sỏi dọc tuyến sông Lam trên địa bàn Nghệ An nói riêng, từ lâu là một nghề đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm nhân khẩu. Tuy vậy, hoạt động khai thác cát, sỏi ở Nghệ An hiện còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình ANTT. Mặc dù lực lượng Công an liên tục phát hiện, bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm, song vì “nguồn sống” của nhiều gia đình đang phụ thuộc vào đây nên sau khi bắt giữ, xử lý, tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn…
Mặc dù cơ quan chức năng đã bắt, xử lý nhiều vụ vi phạm về hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép nhưng tình trạng này vẫn tái diễn |
“Bắt cóc, bỏ đĩa”
Nghệ An là tỉnh có tiềm năng, trữ lượng khoáng sản tương đối lớn, trong đó tài nguyên về cát, sỏi được phân bố tập trung ở 3 tuyến sông chính là sông Lam, sông Hiếu và sông Con, phần còn lại nằm ở các khu vực có khe, suối đầu nguồn và ven biển. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.000 người đang tham gia hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi; 180 doanh nghiệp, hộ gia đình làm ngành nghề khai thác, kinh doanh cát, sỏi; có 63 điểm mỏ được cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi; khoảng 96 bến, bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi (trong đó có 40 bến có giấy phép, 56 bến trái phép)…
Thời gian qua, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp, tăng cường quản lý hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi, qua đó đã thu được những kết quả nhất định. Song nhìn chung, để hoạt động khai thác cát, sỏi thật sự đi vào nề nếp, chấp hành sự quản lý của Nhà nước một cách nghiêm chỉnh thì vẫn còn đó nhiều bất cập. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra thường xuyên, tác động rất lớn đến cảnh quan môi trường, đời sống nhân dân và đặc biệt là tình hình ANTT.
Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những năm gần đây, nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn Nghệ An tăng cao, đặc biệt là cát xây dựng, cát san lấp mặt bằng là một trong những vật liệu không thể thay thế được. Trong khi đó, việc cấp phép thăm dò khai thác, cấp phép mỏ, cấp phép mở bến kinh doanh… vẫn đang còn nhiều vướng mắc. Đi sâu tìm hiểu vấn đề này, nhiều chủ kinh doanh cát, sỏi cho biết, họ rất mong muốn có đủ thủ tục pháp lý để được hoạt động khai thác, kinh doanh một cách công khai, bài bản. Tuy nhiên, hiện các thủ tục hành chính đang là “rào cản” trên con đường đến với “giấy phép”.
Chính vì thủ tục cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi rất khó khăn, nhiều người đã theo đuổi cả mấy năm trời vẫn chưa hoàn thiện thủ tục giấy phép. Do vậy, dù không được cấp phép hoặc chưa được cấp phép khai thác nhưng nhiều chủ tàu vẫn tiếp tục khai thác, khi bị phát hiện và xử lý thì chấp hành nộp phạt nhưng sau đó các chủ tàu vẫn tiếp tục tái diễn để “mưu sinh”.
Theo Trung tá Võ Anh Toàn, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát, Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Nghệ An, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép thường diễn ra vào ban đêm; địa điểm khai thác là các khu vực giáp ranh giữa nơi được cấp mỏ và chưa được cấp mỏ hoặc giữa địa phương này với địa phương khác... Các tàu thường sử dụng máy hút có công suất lớn, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ là có thể chất đầy hàng chục, thậm chí hàng trăm m3 lên boong tàu. Trong khi đó, lực lượng phòng, chống “cát tặc” ở các địa phương còn mỏng, điều kiện đi lại trên sông nước khó khăn, phương tiện chưa đảm bảo, do vậy việc phát hiện, xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Do vướng mắc thủ tục hành chính, hiện toàn tỉnh vẫn còn gần 60 bến tập kết cát, sỏi trái phép |
Cần giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm hiểu nguyên nhân của khó khăn trong công tác chống “cát tặc”, chúng tôi được biết, có một nguyên nhân hết sức cơ bản là từ xa xưa, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… có nhiều hợp tác xã vận tải, một số lượng lớn các tàu thuyền và nhiều hộ kinh doanh cá thể, tham gia kinh doanh vận tải đường sông. Sau này xuất hiện nhiều phương tiện vận tải khác, có tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn, đã dần thay thế các phương tiện vận tải đường sông. Điều đó đã tạo nên sự dư thừa cả nghìn lao động.
Cùng với đó là hàng trăm lao động làm nghề chài lưới trên sông Lam, khi nguồn thủy sản đang dần cạn kiệt, ảnh hưởng đến cuộc sống, họ quay sang hút cát, sỏi để bán kiếm sống qua ngày. Điều đặc biệt là đa phần những người hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi đều không có đất ở và đất nông nghiệp để sản xuất.
Chỉ tính riêng đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An (từ ngày 15/4 - 31/7/2017), Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 183 vụ, 184 đối tượng có hành vi khai thác cát, sỏi trái phép. Qua đó, lập biên bản xử phạt hành chính 143 vụ, 144 đối tượng, thu nộp ngân sách gần 455 triệu đồng; tịch thu, hoàn thổ hơn 1.600 m3 cát, sỏi; đang điều tra, làm rõ 40 vụ, 40 đối tượng. |
Bà Phan Thị Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Tại xóm 9 có gần 130 hộ, hàng trăm lao động trước đây làm nghề vận tải đường sông, giờ đất sản xuất không có, muốn có đất sản xuất cho số lượng lao động này thì phải có ý kiến của Quốc hội. Nghề nghiệp không, không có cá để đánh bắt. Hiện tại, họ có 20 chiếc phà đều có phép vận tải, nên họ trang bị thêm máy hút và lén lút hút trộm cát, sỏi. Xã có biết, đã báo cáo huyện và phối hợp với huyện bắt 2 tàu, nhưng đâu lại vào đó”.
Không chỉ riêng Hưng Nguyên mà huyện Nam Đàn cũng là một trong những địa phương nhức nhối về nạn “cát tặc”, đặc biệt là các xã Khánh Sơn, Nam Trung, Nam Cường, Nam Thượng… Mới đây, các cơ quan chức năng 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương tiếp tục xử lý hàng chục tàu thuyền và bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép. Tuy nhiên, với lực lượng lao động dư thừa như đã nói thì việc chấm dứt triệt để “cát tặc” khi chưa giải quyết được việc làm cho họ là hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Tư An, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Đàn cho biết: “Năm 2016, vận động mãi chỉ được 5 người trong tổng số mấy trăm lao động tham gia học nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ. Họ không mặn mà gì, vì học xong không có việc để làm, vả lại họ quen sông nước rồi nên không muốn đi đâu”. Trong khi đó, ông Trình Văn Bằng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương cho biết: “Chúng tôi cũng đã xử lý nhiều lắm rồi nhưng chưa thể triệt để. Càng ngày, các đối tượng khai thác trộm càng tinh vi, rất khó xử lý. Vả lại, các phương tiện ca-nô, tàu thuyền và các phương tiện khác cấp cho các địa phương để chống “cát tặc” không có nên rất khó khăn”.