Ngày 14/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Chính sách tài chính – tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017”.
Tại hội thảo các chuyên gia nhấn mạnh, chính sách tài chính-tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục là một trong những lực đẩy quan trọng để tạo ra sự bứt phá của tăng trưởng.
Nhận xét về công tác điều hành của NHNN
Về vấn đề lãi suất, PGS. TS. Đào Văn Hùng (Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ KH&ĐT) nhận định, việc NHNN giảm mức lãi suất điều hành 0,25% và 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng của một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 7/7/2017) là rất tích cực.
Kể từ năm 2010 đến nay, mức lãi suất điều hành hiện nay là mức được điều chỉnh giảm mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, đó không hẳn là “nới lỏng chính sách tiền tệ mà chỉ nhằm mục đích tạo cho ngân hàng thương mại cơ hội giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”. Theo ông Hùng, đây là tín hiệu tích cực giúp cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay nói chung và các chương trình ưu tiên nói riêng. Nhờ đó các mức cho vay ưu đãi đã giảm sâu hơn đối với khu vực sản xuất và vốn chảy mạnh hơn vào nền kinh tế thực.
Ông Đào Văn Hùng cho rằng, cứ vào dữ liệu từ năm 2000 đến nay chỉ ra rằng Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa vào vốn là chủ yếu, trong khi chỉ số năng suất tổng hợp (TFP) không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống. Vì vậy cũng cần lưu ý không nên nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng quá nóng và nhanh, nếu không sẽ gây ra rủi ro.
Có cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Thạc Hoát (Trưởng Khoa Tài chính-Tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển) đánh giá chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn rất lớn do vướng mắc ở quy trình thủ tục. Tuy vậy, phải làm sao để chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn, sẽ tác động nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Đánh giá chung về thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và nhất quán, lựa chọn giải pháp phù hợp gắn liền với các mục tiêu đặt ra và điều kiện thị trường cụ thể. Tín dụng tăng trưởng khá đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm tốt và mặt bằng lãi suất duy trì ổn định mặc dù chịu áp lực tăng vào đầu năm. Thị trường ngoại hối ổn định trở lại sau một số biến động trong 2 tháng cuối năm 2016.
Thận trọng áp lực cuối năm
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng dù chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng thị trường tài chính - tiền tệ những tháng cuối năm 2017 còn đối diện nhiều rủi ro.
Đó là áp lực từ bên ngoài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất 1 lần nữa trong năm 2017 và 2 lần vào năm 2018. Chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương các nước vẫn trên đà thắt chặt thêm. Chính sách bảo hộ thương mại tăng và chính sách thuế mới của Hoa Kỳ có tác động đến thương mại, đầu tư…
Áp lực từ trong nước có thể kể đến là việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức khá cao trong ngắn hạn tất nhiên cần đề phòng những rủi ro lớn hơn trong trung và dài hạn. Trong lúc đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu đang hoàn thiện cơ chế và triển khai nhưng thực tế vẫn còn nhiều thử thách, trong khi năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng không mạnh.
Từ phân tích trên, chuyên gia Cấn Văn Lực đồng tình với quan điểm 6 tháng cuối năm 2017, cần tiếp tục theo hướng thận trọng, chặt chẽ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn; đồng thời tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững hệ thống các TCTD.
Cụ thể, nên mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý (16-18%) trong năm 2017; tổng hợp các giải pháp bảo đảm thanh khoản hệ thống cuối năm, nhất là trong bối cảnh huy động vốn chậm hơn so với tín dụng.
Về chính sách, cần xem xét điều chỉnh Thông tư 06 về áp dụng tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các TCTD và triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dù chính sách tiền tệ đòng vai trò quan trọng, nhưng để đạt được tăng trưởng theo mức đề ra đồng thời bảo đảm ổn định vĩ mô cần các giải pháp dài hạn khác như tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân hiệu quả thật sự...
.