(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; thực phẩm không an toàn còn xuất hiện nhiều trên thị trường, gây nhiều lệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng tại huyện Nam Đàn |
Hiện nay, vấn đề đang gây lo lắng cho người dân là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tình hình sử dụng chất cồn công nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến rượu. Trên thực tế đang tồn tại rất nhiều hộ gia đình nấu rượu thủ công với các sản phẩm không tem, không nhãn mác, không có sự giám sát của ngành chức năng nên họ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi tung ra thị trường cũng như các nghĩa vụ liên quan về thuế, phí... Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề sử dụng cồn công nghiệp trong sản xuất rượu là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần được cơ quan chức năng chú trọng kiểm tra, giám sát.
Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh), trong năm 2016 và dịp Tết Đinh Dậu 2017, Nghệ An đã thành lập gần 1.440 đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra gần 29.340 cơ sở. Qua đó, phát hiện trên 5.710 cơ sở vi phạm; xử lý vi phạm gần 2.730 cơ sở; phạt tiền 388 cơ sở với gần 764 triệu đồng. Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 người tử vong.
Tháng hành động vì ATVSTP năm 2017 diễn ra trong thời gian từ 15/4 - 15/5/2017, với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Mục tiêu nhằm giải quyết những bức xúc lâu nay của cộng đồng xã hội và chính người tiêu dùng trong việc sử dụng hóa chất hoặc cồn công nghiệp hoặc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Trọng tâm là giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Để thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ trên, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ được lập từ cấp huyện, thành, thị, cấp sở ngành để tổng kiểm tra, rà soát việc thực hiện pháp luật về ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ quan như Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục ATVSTP tùy theo yêu cầu, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế, giết mổ, sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, nhất là tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh rau, thịt, thủy sản và rượu.
ATVSTP là vấn đề luôn mang tính thời sự đối với mỗi người dân và cộng đồng xã hội. Do đó, đối với nhiệm vụ quan trọng này chúng ta có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác thanh, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, không phải chỉ chú trọng xử lý trong tháng hành động được phát động hàng năm, bởi hoạt động thanh, kiểm tra mới chỉ dừng lại là “phần ngọn” chỉ mang tính truyền thông, răn đe.
Tuy nhiên, sâu xa và quyết định đến mọi vấn đề đó là nâng cao ý thức của nhà sản xuất, đơn vị cung cung cấp thực phẩm bằng việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ nguồn; triển khai chiến dịch truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm đến chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống, quản lý nhà hàng, quán ăn, ban quản lý chợ, siêu thị, các điểm đầu mối của nguồn hàng, hay ở các khu du lịch, khu công nghiệp...