Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201704/ban-giao-luoi-dien-ha-ap-nong-thon-nhieu-vuong-mac-chua-duoc-giai-quyet-730601/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201704/ban-giao-luoi-dien-ha-ap-nong-thon-nhieu-vuong-mac-chua-duoc-giai-quyet-730601/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 01/04/2017, 10:16 [GMT+7]

Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết

(Congannghean.vn)-Đã nhiều năm kể từ khi ngành điện nhận bàn giao việc quản lý lưới điện hạ áp nông thôn, song đến nay, nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Ngoài việc hệ thống đường dây, cột điện nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn, nhất là mùa mưa bão, một số quyền lợi liên quan của người dân vẫn còn bỏ ngỏ.

Cột điện dàn “hàng tư” ngay giữa nội đô ở TP Vinh
Cột điện dàn “hàng tư” ngay giữa nội đô ở TP Vinh

Thực trạng sau khi bàn giao

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bàn giao cơ bản xong lưới điện nông thôn cho Công ty Điện lực Nghệ An quản lý, vận hành và kinh doanh với 421 trong tổng số 423 xã. Chỉ còn 2 đơn vị là xã Nghi Liên (TP Vinh) và xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu), cùng 2 doanh nghiệp tư nhân là HTX Mê Kông bán điện cho 150 hộ thuộc phường Quỳnh Thiện và HTX Quý Vinh bán điện cho 80 hộ thuộc xã Quỳnh Vinh (TX Hoàng Mai) không đồng ý bàn giao tại TX Hoàng Mai.

Thực trạng hệ thống lưới điện sau khi tiếp nhận, theo ngành Điện lực thì phần lớn đều trong tình trạng cũ nát, xuống cấp, các trạm biến áp quá tải, bán kính cấp điện dài dẫn đến chất lượng điện kém, mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Ngoài ra, lưới điện chủ yếu do nhân dân xây dựng tự phát, các xã mở đường nông thôn mới nhưng không giải phóng mặt bằng nên còn tình trạng cột điện nằm trong vườn nhà dân và ở giữa các tuyến đường giao thông. Từ khi tiếp nhận đến nay, mặc dù ngành Điện cam kết sẽ thực hiện cải tạo, song đến nay tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh, tình trạng này vẫn tồn tại.

Từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Nghệ An đã thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp và đóng điện gần 600 trạm biến áp nhưng chỉ mới xử lý cơ bản được các điểm quá tải. Riêng lưới hạ thế, đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng cải tạo nhưng do lưới điện cũ nát, khối lượng tiếp nhận lớn nên mới cải tạo được 1/3 khối lượng tiếp nhận (3.828,443 km trong tổng số 11.600 km).

Từ nay đến năm 2018, ngành Điện dự kiến đầu tư cải tạo thêm 1.500 trạm với số tiền tương đương 2.500 tỉ đồng để cải tạo đường dây hạ áp và trạm biến áp phục vụ nhân dân. Để đảm bảo an toàn phần dây dẫn từ sau công tơ đến các hộ tiêu dùng do nhân dân đầu tư, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 2222 ngày 9/4/2013, đề nghị UBND các huyện, thành, thị giao nhiệm vụ chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp với ngành Điện từng bước khắc phục hoặc thay thế.

Mặc dù vậy, hiện nay, tại các vùng nông thôn, thực trạng dây điện mất an toàn vẫn tồn tại, là “cái bẫy” chết người đối với người dân và gia súc, gia cầm khi chẳng may vướng phải. Đơn cử, ngày 20/11/2016, tại xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu) trong khi đang ăn cỏ ngoài đồng, một con trâu vướng phải dây điện và bị giật chết tại chỗ. Trước đó, tại xã Hiến Sơn (Đô Lương), do xuống cấp nên dây điện bị đứt, khiến 3 con trâu đang gặm cỏ bên dưới bị giật chết tại chỗ.

Cũng liên quan đến việc vướng mắc, tồn tại sau khi chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý, theo phản ánh, đã nhiều năm trôi qua song Điện lực Nghệ An vẫn phớt lờ việc hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn.

Cụ thể, tại thời điểm bàn giao, mặc dù các bên đã lập biên bản xác định cơ cấu nguồn vốn theo khai báo của chủ tài sản để xác định giá trị còn lại của tài sản, triển khai tiếp nhận tài sản, bán điện đến hộ dân và đã hoàn chỉnh hồ sơ để Hội đồng định giá tài sản lưới điện hạ áp nông thôn cấp huyện thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt nhưng đến nay, nhiều hợp tác xã vẫn mòn mỏi chờ ngành Điện hoàn vốn.

Ngoài ra, công tác giải quyết việc làm cũng như bảo hiểm xã hội cho một số cán bộ công nhân của các tổ chức quản lý điện nông thôn sau khi bàn giao cho Công ty Điện lực Nghệ An cũng bất cập, bởi Công ty Điện lực Nghệ An chỉ tiếp nhận tài sản, không tiếp nhận về con người của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn, khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi bàn giao.

Sống ở thành phố, sử dụng điện nông thôn

Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các xã biên giới của tỉnh đến nay vẫn chưa có điện, mặc dù trên các địa bàn này có rất nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động. Cụ thể, số liệu đến cuối năm 2016 cho thấy, đang còn 233 thôn, bản trên địa bàn 54 xã thuộc 8 huyện của tỉnh đang “trắng” về điện lưới.

Về vấn đề này, Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, đang thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, với quy mô đầu tư xây dựng lưới điện trung hạ thế. Với số tiền hơn 782 tỉ đồng, giai đoạn 1 đã hoàn thành đóng điện về trung tâm của 16 xã. Từ nay đến năm 2020, sẽ đầu tư thêm khoảng 575 tỉ đồng để cấp cho các xã còn lại, trong đó huyện Quế Phong sẽ có 24 thôn, bản và huyện Kỳ Sơn có 89 địa phương sẽ được triển khai trong giai đoạn này.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Vinh như phường Vinh Tân, Lê Lợi, Hồng Sơn, Cửa Nam..., hệ thống cột điện, đường dây không còn sử dụng nhưng không được ngành điện tháo dỡ, gây mất mỹ quan đô thị và là những “cái bẫy” chết người với người dân. Cũng trên địa bàn TP Vinh, người dân các xã ngoại thành kiến nghị, là cư dân của thành phố nhưng hiện vẫn đang phải sử dụng điện của huyện Nghi Lộc và TX Cửa Lò, thông qua hệ thống đấu nối cũng đã xuống cấp, dẫn đến nguồn điện không ổn định, phập phù.

Nguyên nhân, theo lý giải của Điện lực Nghệ An, do lưới điện hiện trạng chủ yếu tiếp nhận từ khu vực nông thôn nên kết cấu lưới chưa hợp lý, việc quy hoạch lại lưới điện cần nguồn vốn lớn, mặt bằng và thời gian nên phải thực hiện theo lộ trình. Do đó, nguồn điện vẫn phải sử dụng tuyến đường dây có sẵn chứ không thể xây dựng tuyến đường dây mới để cấp điện được.

.

Thiện Thành

.