(Congannghean.vn)-Là một trong những địa phương trên cả nước có trữ lượng khoáng sản lớn, Nghệ An tận dụng tiềm năng sẵn có để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, việc cấp phép cũng như các thủ tục liên quan cho các doanh nghiệp khai thác đang được triển khai ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, hiện nay đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp chây ì, trốn tránh trách nhiệm trong việc ký nộp quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Điều này để lại nhiều hệ luỵ khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bình đồ địa chất cũng như đời sống của người dân.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Nghệ An là địa phương có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên rất lớn, nhất là khoáng sản phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng. Cụ thể, trữ lượng đá vôi làm xi măng có khoảng gần 4 tỉ tấn; đá vôi trắng hơn 900 triệu tấn; đất sét làm nguyên liệu xi măng hơn 1,2 tỉ tấn; đất sét làm gốm sứ cao cấp 5 triệu m3; đá xây dựng hơn 500 triệu m3; đá bazan 260 triệu m3; đá ốp lát granit phục vụ các công trình xây dựng có khoảng 150 triệu m3, Mable 300 triệu m3…
Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát công tác ký nộp quỹ bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản |
Các loại khoáng sản nói trên tập trung chủ yếu ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Con Cuông, Tương Dương… Đó là chưa kể một số địa phương chứa trữ lượng lớn khoáng sản có giá trị kinh tế cao như vàng sa khoáng và đá quý (Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Con Cuông); đá trắng, quặng, thiếc (Quỳ Hợp); sắt (Nghi Lộc, Thanh Chương) với trữ lượng khoảng 1,8 triệu tấn; Mangan với trữ lượng khoảng hơn 3 triệu tấn (Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc); Bôxít có trữ lượng khoảng 3 triệu tấn (Yên Thành, Diễn Châu và Nghĩa Đàn)…
Điều đáng nói là, để khai thác được nguồn tài nguyên khoáng sản nói trên, các tổ chức, cá nhân phải đào sâu dưới lòng đất, xới tung cả đồi núi, thậm chí đục khoét dưới lòng khe, sông, suối. Mặt khác, ngoài các thủ tục cấp phép hợp pháp theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải cam kết bảo vệ, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, tại các điểm mỏ ở các địa phương, công tác này chưa được quan tâm, chú trọng. Chưa kể, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tràn lan khiến cho môi trường sống bị đe doạ nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại các địa phương liên quan.
Thời gian qua, để công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường được đảm bảo theo quy định, các cấp ngành đã vào cuộc, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm tốt công tác này. Theo đại diện Quỹ bảo vệ môi trường cho biết, đến thời điểm hiện nay đã có 245 trong tổng số 284 điểm mỏ thực hiện tốt việc ký quỹ bảo vệ môi trường với số tiền gần 75 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện việc ký quỹ môi trường. Cụ thể, theo thống kê của Quỹ bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh), tính đến thời điểm tháng 7/2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp vẫn chưa ký quỹ với số tiền phải nộp hơn 2,9 tỉ đồng.
Đơn cử như Công ty TNHH Tổng hợp CCB Miền Trung; Công ty cổ phần Khai thác đá Tân Thành; Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương; Hợp tác xã cổ phần dịch vụ Sơn Long; Công ty cổ phần Xây dựng và hợp tác Đất Việt; Công ty TNHH Thiên Sơn; Công ty cổ phần Xây dựng Văn Sơn; Công ty TNHH MTV khoáng sản Bình An... Đối với các đơn vị chây ì, chậm thực hiện việc ký nộp quỹ bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đã có các văn bản báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc. Thế nhưng, việc chấp hành pháp luật trong công tác ký nộp quỹ bảo vệ môi trường của các đơn vị nói trên hiện nay vẫn chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã quá thời gian so với quy định nhưng vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, do chậm thực hiện nộp ký quỹ kéo theo công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác cũng chậm nên nguy cơ tai nạn vẫn rình rập đối với người dân…
Để biện minh cho việc chây ì, chậm nộp quỹ phục hồi, bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đưa ra muôn vàn lý do khác nhau nhằm “biện minh” cho đơn vị mình. “Do không bán được sản phẩm, làm ăn thua lỗ nên chúng tôi không thể có nguồn kinh phí để thực hiện việc ký quỹ. Chưa kể việc phải vay lãi ngân hàng để có chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… nên nhiều khoản tiền phải bỏ ra. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng đã phải tốn nhiều khoản tiền mới được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác mỏ”, một chủ doanh nghiệp khai thác đá ở huyện Quỳnh Lưu phân trần. Khi được hỏi về phương án phục hồi, cải tạo môi trường sau khai thác, đơn vị quản lý Quỹ bảo vệ môi trường cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng đã “hứa” bằng các văn bản. Tuy nhiên, việc thực hiện mới chỉ nằm trên giấy tờ, còn công tác nộp quỹ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Để từng bước siết chặt công tác quản lý, khai thác khoáng sản, thời gian qua, các cấp, ngành cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra thực tế. Công tác đốc thúc các doanh nghiệp khẩn trương nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường cũng được triển khai tới từng cơ sở. Thời gian qua, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã có những phản ánh bức xúc về tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi, làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Thiết nghĩ, để tránh tình trạng doanh nghiệp chây ì, chậm nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt hơn nữa. Tránh các trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về phục hồi, bảo vệ môi trường nhưng khai thác tài nguyên khoáng sản xong rồi chối bỏ trách nhiệm.