(Congannghean.vn)-Những năm qua, nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tỉnh đã ban hành và thực hiện tốt nhiều chính sách “tiếp sức” cho nông dân; qua đó tạo động lực thúc đẩy ngành chủ lực ngày càng phát triển. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do, quá trình triển khai thực hiện tại một số địa phương vẫn còn bộc lộ bất cập, đơn cử như chính sách trợ giá về giống.
Hiệu quả thiết thực
Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành nông nghiệp - thế mạnh nhưng cũng là lĩnh vực dễ bị “tổn thương” trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà, ngày 16/7/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND về 25 chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp như cây lạc, chè, cam, quýt giống mới, chanh leo, cao su... đều nằm trong diện được hỗ trợ của chính sách. Hàng năm, tỉnh cũng trích một phần ngân sách để trợ giá cá giống lên miền núi của tỉnh. Đến nay, chính sách trợ giá về giống đã có sự mở rộng và được triển khai trên diện rộng. Đơn cử như việc trợ giá giống chanh leo.
Việc thực hiện hiệu quả chính sách trợ giá về giống là động lực thúc đẩy người dân phát triển sản xuất |
Cụ thể, đối với cây chanh leo trồng trong vùng quy hoạch, tỉnh trợ giá giống 100% cho hộ nghèo, 70% với hộ cận nghèo, 50% đối với các hộ còn lại để mua giống sạch bệnh.
Từ khi chính sách trên được áp dụng, nhờ chủ động nâng cao năng suất cây trồng, đời sống của các hộ trồng chanh leo ở Quế Phong được cải thiện rõ rệt. Hiện, Quế Phong trồng khoảng 250 ha, mỗi năm sản xuất gần 1.000 tấn chanh leo.
Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, đặc biệt là đợt mưa lũ lớn vừa qua, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để nông dân bám đồng ruộng, UBND tỉnh vừa có quyết định hỗ trợ 50% giá giống cho 7.000 ha ngô đông được trồng trên đất 2 vụ lúa tại 14 huyện, thị xã, với số tiền trích kinh phí hỗ trợ là 4,9 tỉ đồng.
Thực tế triển khai trên diện rộng cho thấy, trợ giá giống cây trồng là chính sách tốt, giúp người dân tăng năng suất, sản lượng; qua đó đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất nông nghiệp.
Còn bất cập
Không thể phủ nhận hiệu quả của chính sách trợ giá giống trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; tuy nhiên, chất lượng của một số loại giống cùng những bất cập trong quá trình triển khai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vô hình trung đã gây ra nhiều tác động, hệ lụy đối với nông dân. Sự việc liên quan đến giống lúa Khang dân cải tiến là một điển hình.
Theo đó, trong cơ cấu các loại giống lúa đưa vào sản xuất trong vụ hè thu 2016, giống lúa Khang dân cải tiến (DCG72) do Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp huyện Thanh Chương cung ứng có giá 32.000 đồng/kg; nhưng người dân chỉ phải nộp 17.000 đồng/kg do được hưởng trợ giá 15.000 đồng/kg.
Sau khi tiến hành khảo nghiệm trên quy mô 16 ha tại 5 huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương và Yên Thành, thực tế tại huyện Đô Lương - địa bàn khảo nghiệm giống lúa Khang dân cải tiến lớn nhất tỉnh, với diện tích 12 ha, chiếm 75% (tại 2 xã Xuân Sơn và Mỹ Sơn) vào vụ hè thu 2015 thì kết quả khảo nghiệm lại rất kém. Cụ thể, loại lúa này có tỉ lệ lép cao, từ 30 - 35% nên năng suất chỉ đạt 2,2 -2,3 tạ/sào.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số giống lúa khi đưa vào sản xuất, trong đó có loại người dân được trợ giá đã nảy sinh các hiện tượng như tỉ lệ nảy mầm thấp, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… Gần đây nhất, hơn 3.000/10.000 ha lúa BC15 trên địa bàn toàn tỉnh có tỉ lệ hạt lép từ 40 - 70%, không cho thu hoạch.
Thực tế trên cho thấy, công tác khảo nghiệm giống còn bộc lộ bất cập. Từ đó, những đánh giá sai lệch về chất lượng một số loại giống nằm trong danh mục người trồng được trợ giá sẽ gây tác động lớn về nhiều mặt.
Thiết nghĩ, để tránh tình trạng những bất cập trên ảnh hưởng đến tính nhân văn của chính sách trợ giá về giống cho nông dân, việc đánh giá, lựa chọn các loại giống để công nhận, đưa vào cơ cấu giống, từ đó sản xuất trên diện rộng cần được thực hiện một cách chặt chẽ, khách quan, đặc biệt là phải luôn đặt quyền lợi của nông dân lên hàng đầu.