(Congannghean.vn)-Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đang là hướng đi quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, vật nuôi trên cơ sở xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Tuy nhiên, do công nghệ sinh học là lĩnh vực mới, trong khi nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Nghệ An là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, tiến tới nâng cao tỉ trọng của ngành này trong cơ cấu kinh tế. Hiện nay, trong yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, việc nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa cũng như nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán của người nông dân đang là đòi hỏi lớn, cấp thiết.
Lãnh đạo huyện Quế Phong khảo sát cây dược liệu trên địa bàn |
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, trong những năm qua, thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, công nghệ sinh học là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt, hướng đến việc tạo ra sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường.
Trong số các thành tựu đó phải kể đến: Ứng dụng sản xuất thành công chế phẩm sinh học Compost Maker để tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh từ các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; nuôi cấy mô tế bào tạo ra giống cây trồng sạch, năng suất, chất lượng tốt; sử dụng chế phẩm Balasa làm nệm lót sinh học trong chăn nuôi…
Cùng với đó, tỉnh cũng đang tập trung nghiên cứu về công tác bảo tồn quỹ gen. Bởi hiện nay, không chỉ trên địa bàn tỉnh mà trong phạm vi cả nước, có nhiều loại trong kho tài nguyên gen, chúng ta chưa có đủ cơ sở khoa học và trang thiết bị để khai thác giá trị. Đến nay, một số nguồn gen quen thuộc như bò Mông, vịt bầu Quỳ hay một số loài cây thuốc quý như đẳng sâm, bon bo, trà hoa vàng đang được triển khai, nhân rộng ở một số địa phương miền núi.
Theo ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH&CN Nghệ An): Đối với tỉnh ta, công nghệ sinh học là lĩnh vực còn mới mẻ, trong khi năng lực con người còn hạn chế. Do đó, thời gian qua, để khai thác chất xám từ các chuyên gia, Trung tâm đã kết nối, làm đầu mối tiếp nhận và đưa các kết quả nghiên cứu cơ bản từ các viện, trường, các chuyên gia về địa phương.
Ngoài ra, việc chuyển giao tiến bộ KHKT cũng hết sức quan trọng, nhất là trong việc lựa chọn đối tượng, vùng sản xuất cho phù hợp với thực tế. Liên quan đến vấn đề này, việc chuyển giao KH-CN còn bộc lộ bất cập, nhất là trong việc làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của bà con vùng dân tộc thiểu số. Do đó, cần có sự vào cuộc của tỉnh cũng như chính quyền địa phương thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ để đưa công nghệ sinh học đến với người dân một cách nhanh nhất.
Đánh giá chung của ngành NN&PTNT cho thấy, trong công nghệ sinh học, các ứng dụng thực tiễn mới tập trung vào các giống lúa mới, các chế phẩm vi sinh vật, cây giống nuôi cấy mô và một vài sản phẩm khác.
Đối với các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây trồng biến đổi gen.., hiện chưa có nhiều kết quả ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm của lĩnh vực thủy sản cũng còn nhiều hạn chế, mới chỉ tạo ra các sản phẩm trung gian là chủ yếu mà chưa nghiên cứu, sản xuất tạo ra các sản phẩm cuối cùng.
Bên cạnh đó, số đề tài ứng dụng công nghệ gen còn ít, hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực mà các đề tài, dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách trên một số đối tượng cây trồng, giống thủy sản chủ lực.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực NN&PTNT, đã có những nhà khoa học tiếp cận được công nghệ sinh học công nghệ cao, có những lĩnh vực đạt tầm thế giới, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp, ngay cả khi so với các nước ASEAN. Những kết quả nghiên cứu, chọn tạo được chưa nhiều, chưa thể hiện được tính vượt trội. Chúng ta vẫn chưa hình thành được ngành công nghệ sinh học, mà mới chỉ là những nhen nhóm ban đầu”.