(Congannghean.vn)-Chưa bao giờ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch lại trở nên bức thiết như hiện nay. Thực trạng thực phẩm không an toàn bủa vây, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng đã tạo tâm lý hoang mang trong các bà nội trợ. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, thời gian qua, các hành vi sản xuất, sử dụng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn sẽ còn rất lâu dài và gian nan.
Phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn
Lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc |
Liên tiếp trong thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, sử dụng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc. Điển hình như: Ngày 30/3/2016, Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường tiến hành kiểm tra xe ôtô BKS 37S-6720 do Vũ Văn Giáp điều khiển. Qua đó, phát hiện trên xe chứa hơn 6 tấn xương trâu, bò không có nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch và đã bốc mùi hôi thối.
Tiếp đó, ngày 5/4, Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện 2 cơ sở kinh doanh măng tươi tại phường Đội Cung, TP Vinh có hành vi sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm. Số măng này dự đoán là đã được tập kết trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.
Tại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện 1 thùng phi đựng chất bột màu trắng của Trung Quốc có trọng lượng 27 kg và các bao bột màu vàng, dùng để “biến” măng từ màu đen, có mùi hôi thối sang màu trắng hoặc màu vàng. Đây là loại hóa chất được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ… và dùng để làm màu sơn quét tường.
Được biết, mỗi ngày, 2 cơ sở này tuồn ra thị trường khoảng 2 tạ măng ngâm tẩm hóa chất.
Ngày 6/4, Đội 4 phát hiện cơ sở chế biến bánh quẩy do Đới Văn Thịnh (SN 1970) trú tại phường Đội Cung, TP Vinh làm chủ có hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng Công an đã thu giữ 20 lít dung dịch chất lỏng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, 14 kg bột nở.
Số lượng quẩy có chất phụ gia bị thu giữ |
Tiếp đó, ngày 7/4, đơn vị phát hiện cơ sở sản xuất giấm gạo giả của Nguyễn Thị Kim trú tại khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân, TP Vinh. Chỉ cần 1 bể nước lã, 1 can axit acetic, mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hàng trăm chai giấm gạo. Mỗi chai giấm xuất xưởng có giá 1.000 đồng và được bán đi khắp các chợ trên địa bàn Nghệ An. Khi đến tay người tiêu dùng, mỗi chai giấm có giá từ 2.500 - 3.000 đồng.
Lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ 1.762 lít nước chua, 2.700 tem nhãn mác giấm gạo Kim Quỳnh và 3 can nhựa chứa axit.
Được biết, các vụ việc trên nằm trong Chuyên án 316T do lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Theo Thượng úy Nguyễn Hà Dũng, Đội phó Đội 4, Chuyên án này nhằm đấu tranh với hành vi kinh doanh, mua bán, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào sản xuất, chế biến thực phẩm.
Sự quyết liệt trong đấu tranh với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực chế biến thực phẩm xuất phát từ tình hình thực tiễn tại địa phương và trên cả nước trong thời gian qua; đồng thời hưởng ứng Năm An toàn thực phẩm và Tháng hành động vì quyền lợi người tiêu dùng.
Hành vi sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ không có nguồn gốc rõ ràng là rất nguy hiểm, nếu không kịp thời ngăn chặn, thực phẩm bẩn sẽ trực tiếp đe dọa tính mạng của người dân.
Gian nan cuộc chiến chống thực phẩm bẩn
Với lợi nhuận “kếch sù” từ việc kinh doanh thực phẩm không an toàn, rất khó để “thức tỉnh lương tâm” một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi, người bán hàng. Có thể nói, việc sử dụng hóa chất và phụ gia đã trở thành thói quen, thậm chí nhiều người sản xuất kinh doanh còn xem đó là chuyện bình thường.
Trên thực tế, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, xử phạt hành chính đã không còn đủ sức răn đe. Chính vì vậy, hình sự hóa các hành vi vi phạm nói trên được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống thực phẩm bẩn.
Trong thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An đã tấn công mạnh vào các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo VSATTP (Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất quẩy sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc bị Cảnh sát Môi trường phát hiện) - Ảnh: Mai Hậu |
Từ ngày 1/7/2016, Bộ Luật hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, trong đó các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt sẽ bị xử lý rất nặng, từ phạt tiền (1 - 3 tỉ đồng) đến tù giam (6 tháng - 5 năm, thậm chí là 20 năm).
Hy vọng rằng, chế tài nghiêm khắc này sẽ đủ sức răn đe, khiến những người có ý định vi phạm phải chùn tay. Tuy nhiên, gốc rễ là ở chỗ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý, không bao che để đảm bảo các hành vi vi phạm đều bị xử lý đúng người, đúng tội.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ nguồn cung các loại chất cấm trong sản xuất, kinh doanh; phải nắm rõ việc ai được phép nhập khẩu, nhập khẩu để làm gì, bán cho ai, mua để làm gì và sử dụng như thế nào? Đặc biệt, cần giám sát triệt để các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, chất tạo màu…
Thượng úy Nguyễn Hà Dũng cho biết: Trước sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng trở nên tinh vi hơn. Do các cơ sở luôn “kín cổng cao tường” để sản xuất, những gói phụ gia nhỏ thường được giấu kín hoặc trộn lẫn nên công tác kiểm tra, phát hiện gặp không ít khó khăn. Thậm chí, để trốn tránh các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, nhiều tiểu thương đã liên kết với nhau, giấu hàng hóa ở nơi vắng vẻ, chờ “sóng yên biển lặng” mới đưa ra ngâm tẩm hóa chất để tiếp tục kinh doanh.
Những nỗ lực của Phòng Cảnh sát Môi trường và các lực lượng liên quan trong thời gian qua đã được UBND tỉnh và Giám đốc Công an Nghệ An biểu dương, khen ngợi. Trên thực tế, số vụ vi phạm bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng.
Vì vậy, thời gian tới, lực lượng chức năng rất cần sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc sản xuất, chế biến thực phẩm. Bởi, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn không phải diễn ra trong ngày một ngày hai mà là cả một chặng đường dài và cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.