(Congannghean.vn)-Được xem là chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo cho các địa phương có hộ nghèo trên 30%, năm 2010, ngoài các chương trình hỗ trợ từ Nghị quyết 30a (xóa nghèo nhanh và bền vững đối với 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong), Nghệ An có 8 huyện với 42 xã được hưởng lợi từ chương trình này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ngoài 7 huyện khác thì tại huyện Con Cuông, việc đội ngũ trí thức trẻ tăng cường về các xã nghèo đang trong cảnh “đứt gánh giữa đường”, mà nguyên nhân bắt nguồn từ địa phương.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Căn cứ Quyết định 59/2010 ngày 12/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An và Hướng dẫn 744/2012 của Sở Nội vụ về việc thực hiện chế độ luân chuyển, tăng cường cán bộ, công chức và thu hút trí thức trẻ tình nguyện tại các xã có tỉ lệ nghèo trên 30% trên địa bàn tỉnh (gọi là Quyết định 59), năm 2013, UBND huyện Con Cuông ban hành nhiều hợp đồng lao động với việc sử dụng lao động trí thức trẻ đối với 36 sinh viên mới ra trường về công tác tại các xã nghèo trên địa bàn huyện. Hợp đồng sử dụng lao động được ký vào 2 thời điểm là tháng 8/2013 và tháng 10/2013. Chủ trương được thực hiện đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng đối với các xã nghèo nói chung cũng như với các trí thức trẻ nói riêng trong bước đường tìm kiếm việc làm, khát khao tình nguyện, cống hiến sức trẻ cho quê hương.
Trí thức trẻ Lương Văn Cảnh (đứng) hướng dẫn người dân Đan Lai ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông kỹ thuật trồng lúa nước |
Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1988) trú tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông tốt nghiệp khoa Trồng trọt, Đại học Thái Nguyên, sau nhiều năm tham gia công tác xã hội và được làm việc hợp đồng tại xã Bồng Khê, tháng 8/2013, thực hiện Quyết định 59, Nga được UBND huyện Con Cuông ký hợp đồng lao động về công tác tại xã Đôn Phục. Theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên, gồm UBND huyện, Phòng Nội vụ huyện Con Cuông với Nga thì bên B (Nga) tình nguyện làm việc tại UBND xã Đôn Phục trong thời gian 3 năm (36 tháng), tức từ tháng 8/2013 đến tháng 8/2016. Ngoài việc hưởng lương theo hệ số quy định thì bên B còn được hưởng các khoản phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp công vụ; được hỗ trợ 10 triệu đồng đối với năm thứ nhất, từ năm 2 trở đi mỗi năm được 5 triệu đồng.
Sau khi có quyết định về địa phương, nhờ sớm bắt nhịp với môi trường mới, không ngừng học hỏi và cống hiến, kết thúc năm công tác thứ nhất và thứ 2, Nga được UBND xã Đôn Phục và UBND huyện Con Cuông đánh giá, phân loại chuyên môn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là bước khởi đầu và là động lực to lớn để Nga tiếp tục cống hiến trong quá trình công tác. Tuy nhiên, đến tháng 12/2015 (nghĩa là mới chỉ kết thúc 2/3 thời gian hợp đồng), Nga cùng 25 người (trong diện hợp đồng đợt 1) nhận được thông báo huyện phải chấm dứt hợp đồng.
Hợp đồng lao động giữa UBND huyện Con Cuông với các trí thức trẻ đang còn hiệu lực |
Bất ngờ, lo lắng khi bị thôi việc không rõ lý do trong khi thời hạn hợp đồng còn hiệu lực khiến Nga cũng như nhiều người cùng cảnh ngộ chán nản, lo âu. Sau khi gặp gỡ, trao đổi, lãnh đạo huyện đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (ngày 18/12/2015) đối với những người thuộc diện như Nga. Vì vậy, những trí thức trẻ này phải chia tay với các địa phương khi những ước mơ, dự định của mình đối với nơi đây còn dang dở. Theo đó, 25 trí thức trẻ trên bị chấm dứt hợp đồng đợt 1, 11 người còn lại cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Đi sâu tìm hiểu lý do vì sao lại có sự “bất thường” khi chính quyền “đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động” được biết, ngay sau khi Quyết định 59 có hiệu lực, cùng với huyện Con Cuông thì 7 huyện nằm trong diện còn lại đều thực hiện chính sách tăng cường, thu hút trí thức trẻ làm việc trong thời gian 2 - 3 năm. Lý do mà huyện chủ động cắt hợp đồng là quy định thời gian triển khai Quyết định 59 chỉ đến năm 2015 nhưng hợp đồng ký với các trí thức trẻ là đến năm 2016. Trả lời vấn đề này, đại diện Phòng Nội vụ - UBND huyện Con Cuông cho biết: “Nắm được thời gian đến năm 2015 là hết nên cán bộ tham mưu sớm (từ tháng 2/2012 - P.V) nhưng lúc bấy giờ, huyện còn thực hiện nhiều chính sách khác về công tác cán bộ nên mãi đến tháng 8/2013 mới chính thức ký kết hợp đồng”.
Tiếp xúc, trao đổi với các trí thức trẻ trong diện trên, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Mặc dù được huyện trao đổi trước khi đi đến quyết định chấm dứt hợp đồng nhưng ai nấy cũng đều cảm thấy hụt hẫng. Lý do được phía huyện đưa ra là do tỉnh cắt kinh phí, huyện không có nguồn ngân sách để trả lương và các chế độ cho đội viên. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Con Cuông cho biết: “Huyện rất lấy làm tiếc và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ 36 cán bộ hợp đồng theo Quyết định 59 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, do thời hạn thực hiện Quyết định đã hết (năm 2010 đến năm 2015 - P.V) buộc huyện phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng đối với họ và chờ chủ trương tiếp theo khi có hướng dẫn của cấp trên”. Khi được hỏi, việc ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 36 lao động trong khi thời hạn còn hiệu lực là sai với quy định, ông Hùng cho biết: “Không có cách nào khác!”.
Địa phương lúng túng
Theo Quyết định 59/2010, ngoài chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ, thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các xã (kể cả huyện về xã), còn có các chính sách khác như: Hỗ trợ xuất khẩu lao động, hỗ trợ khai hoang phục hóa; giao, chăm sóc, bảo vệ rừng; giao đất trồng rừng sản xuất… Đây được xem là đòn bẩy để thúc đẩy các xã nghèo từng bước thoát nghèo nhanh và bền vững. Ông Lương Viết Tùng, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết: Cùng với các chính sách hỗ trợ khác, chủ trương tăng cường trí thức trẻ về công tác tại địa bàn là một minh chứng cụ thể cho sự đổi thay của xã.
Các trí thức trẻ được đào tạo bài bản, năng lực khá, phần lớn là con em địa phương trong huyện, am hiểu phong tục tập quán và phương thức sản xuất nên khi bắt tay vào công việc được giao, ai nấy cũng đều sớm bắt nhịp với công việc, cộng với sự nhiệt huyết, xông xáo của tuổi trẻ, phương pháp làm việc khoa học nên hiệu quả công việc rất cao. Mong muốn của cấp ủy, chính quyền là tiếp tục duy trì, triển khai Quyết định này.
Ông Vi Đình Thanh, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Con Cuông - người được phân công phụ trách lĩnh vực này cho biết thêm: “Huyện đánh giá rất cao sự đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ trên địa bàn nhưng hiện nay chưa có giải pháp nào để thực hiện. Bởi thời gian đã hết nên huyện cũng chỉ làm theo hướng dẫn của cấp trên. Do đó, hiện, trong 36 trí thức trẻ tăng cường về các xã, ngoài những người xin nghỉ để chờ hoặc xin làm công việc khác theo nhu cầu thì còn lại một số vẫn tự nguyện làm việc tại các xã, với đồng lương hỗ trợ ít ỏi từ cơ quan, đơn vị họ đang làm, như các trí thức trẻ tại xã Đôn Phục, tại Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện…
Đi sâu tìm hiểu về vấn đề này tại các huyện được triển khai Quyết định 59 thì được biết, hầu hết đã có những động thái giải quyết vấn đề về mặt tâm lý cho các trí thức trẻ thuộc diện trên, nhất là nắm bắt được những nội dung liên quan sau khi Tỉnh ủy Nghệ An có Thông báo 12 kết luận của đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh ngày 29/10/2015 và Công văn 8392 của UBND tỉnh về việc thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư giao cho các sở, ngành, liên quan, MTTQ tỉnh. Ông Hoàng Khắc Thanh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp cho biết: “Hiện tại, sau khi hết hạn đối với các trí thức trẻ, huyện đã giao các xã triển khai tới các trí thức trẻ công tác tại xã mình hướng dẫn làm hồ sơ để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, mọi nội dung cụ thể phải chờ hướng dẫn từ Sở Nội vụ”.
Trong khi đó, hiện huyện Con Cuông vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết tâm lý cho các trí thức trẻ sau khi bị chấm dứt hợp đồng.
Ngày 8/1/2016, UBND tỉnh có Công văn 120/UBND-TH về việc đồng ý tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường, thu hút trí thức trẻ theo Quyết định 59 trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó đề nghị UBND các huyện tiếp tục áp dụng chính sách trên trong giai đoạn 2016 - 2020; giao Sở Nội vụ theo dõi, hướng dẫn thực hiện; Sở Tài chính hàng năm cân đối ngân sách để chi trả cho các đối tượng theo quy định. Thế nhưng, qua trao đổi với Sở Nội vụ được biết, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa biết triển khai ra sao. |