(Congannghean.vn)-Lâu nay, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được các cấp, ngành và địa phương quan tâm tuyên truyền, đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn.
Tuy nhiên, cứ đến mùa nắng nóng thì trên địa bàn tỉnh, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, ở một số địa phương đã để xảy ra cháy rừng liên tục, gây thiệt hại không nhỏ tới đời sống kinh tế - xã hội cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 10 vụ cháy rừng với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Chỉ tính riêng từ những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng với quy mô gần 40 ha, gây thiệt hại không nhỏ tới kinh tế địa phương.
Năm nào cũng vậy, trước mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng đã xây dựng các kế hoạch, phương án để đối phó với cháy rừng tới tận cơ sở. Tuy nhiên, đã thành quy luật, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan đã dẫn đến thực trạng “đến hẹn lại cháy rừng” vẫn chưa thể ngăn chặn dứt điểm. Cơ quan Công an được giao nhiệm vụ phối hợp điều tra, truy tìm thủ phạm gây ra cháy rừng, đã xử lý nhiều trường hợp cố tình để xảy ra cháy rừng.
Người dân xã Yên Na, huyện Tương Dương vô tư đốt rừng làm nương rẫy, dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng trên diện rộng |
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền nơi có rừng cũng đã tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc PCCCR. Ngoài việc thiếu ý thức bảo vệ rừng của người dân dẫn đến cháy rừng thì nguyên nhân cháy rừng do tranh chấp diện tích rừng, đốt nương làm rẫy vẫn đang tồn tại trong suốt thời gian qua.
Đơn cử như vụ cháy rừng tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cuối tháng 5 vừa qua, làm thiệt hại 6,27 ha rừng nứa mà nguyên nhân ban đầu là do người dân tự ý chuyển đổi đất có rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng. Có không ít trường hợp người dân tự ý đốt rừng để lấy đất làm nương rẫy, do không khống chế được ngọn lửa nên đã để xảy ra cháy rừng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn ở góc độ nào đó thì số vụ cháy rừng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là do chính bàn tay con người gây ra, bởi thực tế, lửa không thể dễ dàng tự sinh ra từ trong rừng. Qua trao đổi với các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng cháy rừng, nhất là vào mùa nắng nóng đều do tập quán canh tác của người dân.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn so với cả nước (khoảng trên 800.000 ha diện tích đất có rừng), 359 xã có rừng, tập trung ở các huyện miền Tây. Trong khi đó, ở 359 xã có rừng, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tập quán du canh, du cư vẫn còn tồn tại nên tình trạng đốt rừng làm rẫy là điều khó tránh khỏi.
Hiện nay, Nghệ An còn khoảng trên 81.000 hộ nghèo, chiếm 10,28% dân số, có 142 xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên, tập trung ở 10 huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong…
Qua tìm hiểu, việc đốt nương làm rẫy của người dân không hoàn toàn là tự phát. Một số địa phương không hề có đất ruộng lúa nước để canh tác nên hàng năm, chính quyền thường quy hoạch một diện tích đất rừng nhất định để người dân đốt nương làm rẫy, tạo nguồn lương thực tại chỗ.
Những huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong hiện nay người dân vẫn đang được phép đốt nương làm rẫy trong phần diện tích đã quy hoạch. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát tốt việc này thì khi đốt nương để canh tác cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Để giảm thiểu tình trạng người dân tự ý đốt rừng làm nương rẫy cũng như đốt nương làm rẫy “hợp pháp”, trong thời gian qua, các cấp, ban, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo, giao đất, giao rừng cho bà con bảo vệ, chăm sóc.
Hiệu quả bước đầu khi gắn lợi ích của người dân với rừng đã được triển khai bằng các việc làm cụ thể như: Giao đất, giao rừng để chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ, hỗ trợ giống cây, ưu tiên các huyện miền núi cao, nơi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc khuyến khích người dân giữ rừng, trồng rừng được đặt lên hàng đầu.
Công tác bảo vệ rừng, ngăn ngừa nguy cơ tận diệt, đốt rừng làm nương rẫy đã đem lại nhiều thành công ở các mô hình trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng… Chính vì vậy, gắn lợi ích kinh tế của từng cá nhân, tập thể, giải quyết triệt để mâu thuẫn tiềm ẩn trong các vụ tranh chấp đất rừng là tạo cơ sở vững chắc để ngăn chặn, giảm thiểu các vụ cháy rừng trong mùa nắng nóng.