(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, một số công trình hồ đập, đê điều trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp, thậm chí nhiều tuyến đê được đầu tư tiền tỉ hiện nay cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thực trạng này đã và đang trở thành mối lo ngại lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 473,05 km chiều dài hệ thống đê điều với nhiều tuyến quan trọng, được phân cấp quản lý rất chặt chẽ. Riêng 68 km chiều dài thuộc tuyến đê Tả Lam qua địa phận các huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên thuộc hệ thống đê cấp 3 do Trung ương quản lý. Số còn lại là đê cấp 4 do địa phương quản lý, được bố trí cho các đơn vị theo từng chức năng, nhiệm vụ để quản lý. Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An được Trung ương đồng ý phê duyệt đầu tư nhiều dự án liên quan đến giảm thiểu thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là những dự án có tầm quan trọng lớn đối với tỉnh nhà, từng bước đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là công tác ứng phó với thiên tai vào mùa mưa lũ.
Xe trọng tải lớn đang cày xới tuyến đê biển ngăn mặn tại phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai |
Tuy nhiên, thực trạng một số địa phương để xảy ra hiện tượng xâm lấn, thậm chí phá hoại đê điều đang gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng hàng trăm hộ dân xã Đô Thành, huyện Yên Thành lấn chiếm hành lang bảo vệ lòng kênh Vách Bắc trong những năm qua cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Tại khu vực đê sông Lam chảy qua địa phận xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương và các xã Nam Trung, Nam Kim, Nam Cường, Nam Phúc, Khánh Sơn, huyện Nam Đàn…, tình trạng người dân “đua nhau” lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều đến nay vẫn đang diễn ra.
Cơ quan chức năng liên quan đã đưa ra rất nhiều lý do để “biện minh” cho tình trạng này như không có kinh phí di dời, giải tỏa… Điều đó khiến cho các đê, kè bị xâm lấn nghiêm trọng, người dân vẫn vô tư xây dựng nhà ở kiên cố trên khu vực cấm. Thế nhưng, vấn đề quy trách nhiệm, giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên lại bị “thả nổi”, thậm chí “đá bóng trách nhiệm” cho cơ quan này, ban, ngành khác… Chính vì vậy, nhiều tuyến đê kiên cố được đầu tư xây dựng theo thiết kế có thể ứng phó với những thiên tai lớn nhưng xem ra vẫn còn nhiều bất cập.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, không chỉ đê điều bị lấn chiếm mà tình trạng xâm hại, chiếm dụng thân đê làm đường để xe quá khổ, quá tải cày xới cũng chưa được xử lý theo quy định. Đơn cử như tại tuyến đê ngăn mặn đi qua các phường Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai. Đây là công trình đê điều kiên cố được đầu tư hàng chục tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ thời điểm trước khi TX Hoàng Mai được thành lập vào năm 2013.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, tuyến đê này đã bị biến thành tuyến đường mà hàng ngày có số lượng lớn các loại phương tiện cơ giới qua lại. Đặc biệt, từ khi mỏ đá Ba Voi tại phường Quỳnh Dị được đưa vào khai thác, lượng xe cơ giới qua lại trên đê ngày càng nhiều hơn. Người dân đã phản ánh tình trạng này tại nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri các cấp nhưng xem ra, tình trạng xâm hại tuyến đê trên vẫn chưa được ngăn chặn, dẫn đến nhiều đoạn bị bong tróc, sụt lún...
Ông Lê Đình Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: Trước mùa mưa bão năm nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương kiểm tra, thống kê số lượng đê điều, hồ đập trên địa bàn đang xuống cấp để có phương án kiến nghị sửa chữa, nâng cấp. Nhiều tuyến đê quan trọng hiện nay đang được tu sửa, nâng cấp để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác này hiện vẫn còn hạn hẹp. Thời gian tới, đơn vị sẽ có văn bản kiến nghị gửi tới các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị trực tiếp quản lý đê điều, hồ đập trực thuộc tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng xâm hại các công trình này.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện nhiều tuyến đê quan trọng bị sụt lún, sạt lở, vỡ hồ đập trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại đáng kể cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, thì công tác quản lý, bảo vệ đê điều, hồ đập trước mùa mưa bão cần được chủ động tăng cường hơn nữa. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm túc, dứt điểm các trường hợp cố tình xâm hại đến đê điều, hồ đập đang tồn tại trong thời gian qua. Việc giao trách nhiệm cụ thể cho những người trông coi, bảo vệ đê điều, hồ đập… cũng cần siết chặt hơn nữa.
.