(Congannghean.vn)-Cuối năm 2013, phía Hàn Quốc đã tạm thời nối lại chương trình xuất khẩu lao động với nước ta đến hết năm 2014. Trong đó, tập trung tiếp nhận những lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn và trở về đúng thời hạn. Tuy nhiên, 2/3 thời gian đã trôi qua nhưng số lao động xuất khẩu sang Hàn rất ít ỏi, gần 2.000 lao động Nghệ An vẫn đang mỏi mòn chờ đợi.
Trước những nỗ lực của Việt Nam, cuối tháng 12/2013, phía Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ đặc biệt giữa bộ lao động hai nước, tạm thời nối lại chương trình EPS đối với Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc sẽ ưu tiên tiếp nhận các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng trở về nước đúng hạn và các lao động đã hoàn thành kỳ kiểm tra tiếng Hàn trước đó trong năm 2014. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì việc giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn, phía bạn mới xem xét ký lại chính thức chương trình EPS.
Cuối tháng 11/2014, bản ghi nhớ đặc biệt về nối lại chương trình xuất khẩu lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực. Nếu tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn vẫn cao, chắc chắn Hàn Quốc sẽ dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam. Theo thống kê, tỉ lệ lao động Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động trong tháng 10/2013 đã giảm xuống 38,2%. Nhưng đến tháng 11/2013 tăng lên tới 42,5% và tháng 1/2014 tăng vọt lên 49%. Tính đến giữa năm nay, tỉ lệ lao động bỏ trốn không giảm, có tới 40% lao đông bỏ trốn là người Việt Nam trong 15 nước có xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Trước thực trạng trên, sẽ thật khó để Việt Nam nối lại chương trình xuất khẩu lao động trong năm 2015. Thực tế thì doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã hạn chế lựa chọn lao động Việt Nam mà thay vào đó là lao động các nước Camphuchia, Indonesia.
Cơ hội lao động tại Hàn Quốc đang hẹp dần với lao động Việt Nam |
Trước đó, đầu năm 2014, gần 2.500 lao động Nghệ An có chứng chỉ tiếng Hàn mà chưa thể xuất khẩu sang Hàn Quốc và số lao động về nước đúng thời hạn đã đội mưa, đội nắng xếp hàng làm hộ chiếu, giấy tư pháp, khám sức khỏe và nộp hồ sơ cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Sở cũng đã hoàn thiện hồ sơ để chuyển ra Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để gửi hồ sơ lên mạng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn. Tuy nhiên, trước thực trạng lao động Việt Nam bỏ trốn không giảm, các doanh nghiệp Hàn Quốc ít lựa chọn lao động Nghệ An. Tính đến cuối tháng 8/2014, mới chỉ có hơn 500 lao động tại Nghệ An được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn và phần lớn đang được học định hướng chứ chưa xuất cảnh. Số ít lao động được xuất cảnh chủ yếu là những lao động về nước đúng thời hạn.
Được biết, mức thu nhập trung bình của lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc là 1.500 USD/tháng nên phần lớn các lao động đã nộp hồ sơ đầu năm 2014 đều quyết tâm chờ đợi với hy vọng doanh nghiệp Hàn Quốc chọn. Thực trạng trên đã làm không ít lao động điêu đứng bởi sống trong tâm trạng thấp thỏm, không dám đầu tư làm những việc khác như xin việc ổn định, đầu tư kinh doanh… Anh Nguyễn Văn Hải ở Quỳnh Lưu tâm sự: “Có tin phía Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam, chúng tôi mừng lắm và hối hả đi làm hồ sơ. Nộp xong chỉ biết chờ đợi, cứ mỗi ngày trôi qua là thêm nóng ruột, ở nhà chẳng thiết làm gì, chỉ lên mạng tìm kiếm thông tin”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc tiếp nhận lao động Việt Nam của chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đang diễn ra rất chậm, phần lớn họ đều ưu tiên cho những lao động trung thành, những lao động về nước đúng thời hạn còn được phía chủ lao động xin cho quay trở lại làm việc. Nếu đến cuối năm 2014, các lao động không được chọn để xuất cảnh thì chứng chỉ sẽ hết hiệu lực và buộc sẽ phải thi lại tiếng nếu còn có chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc trong năm tới”.
Cơ hội cho những lao động sang Hàn Quốc trong năm nay đang dần hẹp lại dù các cơ quan chức năng đã sử dụng nhiều giải pháp trợ giúp. Lao động bỏ trốn luôn là nguyên nhân, họ đang nhìn thấy cái lợi trước mắt nhưng không thấy lợi ích lâu dài. Có thể các cơ quan chức năng sẽ cần một thời gian dài và những biện pháp cứng rắn để xử lý những lao động bỏ trốn.
.