(Congannghean.vn)-Theo thông báo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex: Kể từ ngày 23/6/2014, giá xăng có sự điều chỉnh tăng giá lên mức mới là 25.230 đồng/lít. Đây là lần thứ 4 giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Sau hơn 1 tuần tăng giá xăng, nhiều mặt hàng tiêu dùng đều có xu hướng tăng giá khiến chi tiêu của người tiêu dùng càng thêm dè dặt.
Thực phẩm đua nhau tăng giá
Trong vòng một tuần qua, giá nhiều mặt hàng thực phẩm bán trên thị trường có dấu hiệu tăng lên sau khi giá xăng tăng. Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP Vinh như chợ Vinh, chợ Đại học, Quang Trung, Nghi Phú… một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng ở mức từ 1.500 đồng đến 15.000 đồng. Cụ thể, so với thời điểm trung tuần tháng 6/2014, rau xanh đã tăng lên từ 1.000 - 3.000 đồng/mớ; thịt lợn tăng khoảng 3.000 - 8.000 đồng/kg; các loại củ, quả tăng giá từ 1.000 - 10.000 đồng/kg.
Sau 1 tuần giá xăng tăng, người tiêu dùng lại lo lắng vì giá một số thực phẩm cũng tăng theo |
Đặc biệt, một số loại hoa quả lại có chiều hướng tăng cao như: Chanh tươi được bán với giá là 30.000 đồng/kg; bưởi da xanh có giá 125.000 đồng/quả; cam sành được bán với giá 60.000 đồng/kg… Trong số các mặt hàng, tăng giá mạnh nhất vẫn là hải sản với mức giá tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Cụ thể, ghẹ loại to trước chỉ bán 370.000 đồng/kg nhưng đến nay đã tăng lên 390.000 đồng/kg; cua biển, sò tăng giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; các loại cá cũng tăng từ 4.000 đồng - 7.000 đồng/kg…
Khi được hỏi vì sao các mặt hàng tăng giá, nhiều tiểu thương đều giải thích do giá xăng đắt đỏ, tiểu thương phải nâng giá để bù lại chi phí vận chuyển, rồi chi phí bảo quản, thì buôn bán mới có được đồng lãi. Bên cạnh đó, do chi phí nhập hàng tăng lên nên tiểu thương ở các chợ lẻ cũng phải tăng giá bán để tránh nguy cơ bị lỗ. Còn đối với những mặt hàng hoa quả, việc tăng giá phụ thuộc vào từng đợt hàng, nhiều loại quả nhập cao nên cũng phải bán giá cao.
Đời sống của người dân lao đao
Xăng dầu là mũi nhọn của kinh tế thị trường và ảnh hưởng theo cước vận chuyển. Việc tăng giá xăng sẽ làm chi phí sản xuất lên cao, kéo theo đó giá bán các sản phẩm khác cũng sẽ “nhảy múa” tăng giá đồng loạt. Và đương nhiên, cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Đơn giản vì khi giá xăng dầu cao như hiện nay sẽ kéo theo giá cả sinh hoạt đều tăng theo, làm cho cuộc sống khó khăn hơn nhiều, nhất là với những người có thu nhập thấp, những người làm công ăn lương.
Cứ sau mỗi đợt tăng giá xăng, gas, điện thì người có thu nhập thấp như công nhân, sinh viên lại chịu thiệt thòi nhiều nhất. Đồng lương công nhân “3 cọc 3 đồng”, sinh viên thì bó buộc trong khoản tiền vài triệu từ gia đình chu cấp, trong khi tiền điện, tiền nước, thực phẩm liên tục tăng. Chị Phan Thu Thảo, công nhân may tại Khu CN Bắc Vinh than thở: "Hai vợ chồng tôi gửi cháu cho ông bà nội xuống Vinh tìm việc làm để kiếm thêm ít thu nhập. Lương công nhân mỗi người được 2 triệu đồng/tháng.
Trước đây, mỗi bữa ăn chỉ hết khoảng 15.000 đồng dành cho một người ăn, chưa kể tiền gas, gạo và chi phí liên quan khác. Nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, cũng khẩu phần ăn và món ăn như vậy, mua hết 30.000 đồng. Với đồng lương công nhân ít ỏi này, phải luôn đắn đo tự hỏi biết mua cái gì bây giờ vì mặt hàng thực phẩm nào cũng tăng ít nhất từ 1.000 - 5.000 đồng".
Cùng chung cảnh ngộ với chị Thảo, để đối phó với cơn “bão giá”, rất nhiều nữ công nhân của Công ty điện tử Em.Tech đóng tại đường tránh Vinh đã nấu ăn chung để tiết kiệm thêm. Mang tâm trạng lo lắng khi giá xăng dầu tăng, chị Hiền, công nhân làm việc tại Công ty Em.Tech chia sẻ: “Mỗi lần xăng tăng giá kéo theo các dịch vụ, hàng hóa tăng theo, đồng lương của người công nhân như chúng tôi lại thâm hụt đủ thứ. Mỗi tháng làm chưa đủ nuôi bản thân mình chứ nói gì đến việc tiết kiệm gửi về quê cho bố mẹ”.
Còn với giới sinh viên, khi giá cả càng tăng thì khả năng chi tiêu của họ càng giảm mạnh. Đặc biệt, những sinh viên ở trọ xa nhà, khi thực phẩm đua nhau tăng giá, trong mỗi bữa ăn đơn giản chỉ có rau, đậu phụ hoặc trứng, còn thịt cá dường như vắng bóng. Đó là chưa kể có những sinh viên không có điều kiện nấu nướng, phải ăn cơm bụi, thì giờ đây cũng chuyển hướng sang ăn mì tôm qua ngày. Do đó, để có thêm tiền trang trải sinh hoạt, học tập cũng như đỡ đần phần nào cho gia đình, nhiều sinh viên phải tìm mọi việc làm thêm.
Giá xăng tăng, kéo theo nhiều mặt hàng tăng nhanh khiến người tiêu dùng không khỏi thấp thỏm, lo lắng. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả ngày càng đắt đỏ, kinh tế eo hẹp, chất lượng cuộc sống của người dân càng bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi vậy, người ta chỉ còn biết chọn phương pháp “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua cơn “bão giá” mà thôi.