(Congannghean.vn)-Trong vòng 7 tháng đầu năm, đã có tổng cộng 5 đợt giá xăng dầu được điều chỉnh tăng. Dù mức tăng trong mỗi lần điều chỉnh không quá lớn nhưng việc tăng “nhỏ giọt” với tần suất cao trong thời gian ngắn đã khiến cho giá xăng liên tiếp lập “kỷ lục”. Là mặt hàng thiết yếu, việc liên tục tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân. Một lần nữa, việc giải “bài toán” đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên cần phải được tính tới nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận.
Chỉ sau một thời gian ngắn “đứng yên”, từ 20 giờ ngày 7/7 vừa qua, các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt được điều chỉnh tăng và lập mức “kỷ lục” mới. Theo đó, so với mức giá cũ, giá xăng Ron 92 tăng thêm 410 đồng/lít, giá dầu Diezel tăng 290 đồng/lít, dầu hỏa tăng 410 đồng/lít, dầu mazut tăng 130 đồng/kg. Cụ thể, mặt bằng giá mới của các mặt hàng xăng dầu bán lẻ lần lượt là: Xăng Ron 92 giá 25.640 đồng/lít, dầu Diezel giá 22.820 đồng/lít, dầu hỏa giá 22.950 đồng/lít, dầu mazut giá 18.690 đồng/kg. Quyết định tăng giá trên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam dựa vào Công văn số 9154/BTC-QLG của Bộ Tài chính ban hành tối 7/7.
Như vậy, đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng chỉ hơn hai tuần, giá xăng dầu trong nước được phép điều chỉnh tăng giá. Trước đó, ngày 23/6, xăng Ron 92, dầu mazut và dầu hỏa cũng đã đồng loạt tăng thêm từ 170 - 320 đồng/lít, kg. Riêng với giá xăng, từ thời điểm tháng 12/2013 đến nay đã được điều chỉnh tăng 6 lần với mức giá tổng cộng hơn 1.800 đồng/lít. Đã trở thành “điệp khúc”, lý do được Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra trong đợt điều chỉnh tăng giá lần này là giá mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục ở mức cao, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đang chịu lỗ và việc tăng giá là nhằm bù lỗ. Vẫn biết việc điều hành giá tất cả các mặt hàng, trong đó có xăng dầu theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu. Mặc dù vậy, nếu vai trò của cơ quan quản lý giá được phát huy trong việc điều hòa lợi ích giữa các bên sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực không mong muốn từ việc tăng giá xăng dầu…
Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với không ít khó khăn, việc tăng giá xăng dầu tất yếu sẽ làm phát sinh thêm chi phí sản xuất, kéo theo giá bán sản phẩm phải điều chỉnh tăng theo, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng giá xăng dầu là các doanh nghiệp vận tải. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa vốn đã suy giảm, từ đầu tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải đã siết chặt kiểm tra tải trọng xe khiến nhiều doanh nghiệp phải tính tới việc tăng giá. Đến nay giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh tăng khiến cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải càng thêm chật vật. Giá xăng dầu tăng cũng có tác động “dây chuyền”, làm tăng giá các mặt hàng khác và chịu nhiều thiệt thòi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. Khi mặt bằng giá mới được thiết lập, những lo ngại về tình hình lạm phát có thể bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm là hoàn toàn có cơ sở.
Các chuyên gia kinh tế đã nhận định, một trong những lý do khiến người tiêu dùng đang phải mua xăng dầu với giá cao là do “sức nặng” của các loại thuế, phí. Theo phụ biểu tính giá của Bộ Tài chính công bố trong lần điều chỉnh giá ngày 7/7, một lít xăng Ron 92 về Việt Nam phải chịu 8.244 đồng tiền thuế và phí, bằng 35% giá bán lẻ và bằng gần một nửa giá nhập xăng dầu về cảng. Trong đó, thuế nhập khẩu chiếm 18%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Với mức thu các loại thuế, phí cao như hiện tại, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, cơ quan chức năng có thể xem xét việc giảm một số loại thuế, phí để giảm giá xăng dầu. Bên cạnh đó, quỹ bình ổn giá vốn vẫn được xem là công cụ giúp bình ổn thị trường xăng dầu cũng cần phải được quản lý, sử dụng linh hoạt trong những thời điểm giá xăng dầu trên thế giới tăng cao.
Theo đó, chỉ nên trích lập quỹ khi giá xuống thấp để tạo nguồn bình ổn khi giá cao. Việc trích thu quỹ bình ổn cũng không nên chỉ trông chờ vào túi tiền của người dân. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cần trích ra một phần nhất định trong tổng số lãi thu được từ hoạt động kinh doanh hàng năm nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Khi mà lợi ích giữa các bên được đảm bảo hài hòa, các yếu tố cấu thành giá được công khai minh bạch, vấn đề “lợi ích nhóm” không còn chi phối, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng, giảm theo cơ chế thị trường hẳn sẽ nhận được sự đồng thuận từ đông đảo dư luận xã hội.
.