Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201204/19456-ve-noi-vung-dat-khat-398000/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201204/19456-ve-noi-vung-dat-khat-398000/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Về nơi vùng đất "khát" - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 11/04/2012, 08:00 [GMT+7]
19456

Về nơi vùng đất "khát"

Mùa khô năm 2012 này sẽ có 13/21 xã, thị trấn và gần 2/3 dân số của huyện thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Thiếu cái ăn, thiếu nước phục vụ cuộc sống, đồng bào nơi vùng cao biên giới này hàng ngày đang phải "gồng mình" vượt qua những khó khăn.  
 
Thực trạng vùng đất khát
 
Mặc dù thời điểm này mùa khô ở Kỳ Sơn (Nghệ An) mới chỉ bắt đầu nhưng tình trạng thiếu nước đã hiện hữu ở rất nhiều địa phương. Tại trung tâm xã Phà Đánh chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10km song cảnh thiếu nước đã diễn ra từ nhiều tháng nay.
 
Để có nước phục vụ sinh hoạt người dân ở đây phải đi một quãng đường 3 đến 7km lấy từng can nước để sử dụng cho gia đình. Nước thiếu nên người dân nơi đây phải chắt chiu từng giọt, thậm chí phải chia nước cho từng bữa để nấu ăn, chưa nói đến phục vụ các nhu cầu khác.
 
Anh Kha Văn Bún, cán bộ xã cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này đồng bào các dân tộc ở đây lại sống với bề bộn nỗi lo, bên cạnh nỗi lo về cái ăn thì phải lo có nước để sống. Không đủ nước sinh hoạt cuộc sống chúng tôi bế tắc đủ đường. Chúng tôi đang có sức khoẻ không đáng ngại lắm, thương cho các ông bà già ốm yếu, neo đơn không đủ sức đi xa vượt rừng tìm nước đành cố gồng mình với sự thiếu thốn này.
 
Thiếu nước không chỉ diễn ra ở các làng, bản mà ở trường học, trạm y tế cũng phải đối diện với thực trạng này. Tại trường Tiểu học Huồi Tụ 1, chứng kiến cảnh học sinh tay xách can nước, nách mang cặp vượt quãng đường đèo dốc gần 10km đến trường mới cảm nhận được những khó khăn do thiếu nước nơi đây.
 
Cuộc sống người dân đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nước
 
Thầy giáo Nguyễn Hữu Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chúng tôi cũng rất xót xa khi các học sinh bán trú của trường không có nước để nấu ăn, sinh hoạt, song tập thể giáo viên ở đây cũng phải sống chung hoàn cảnh này.
 
Các thầy cô phải thay nhau tranh thủ những giờ không lên lớp vào các khe suối trong núi để tìm từng can nước. Thiếu nước khổ lắm anh ạ. Ông Vừ Giống Dìa, Chủ tịch UBND xã tỏ ra rất trăn trở khi nói về chuyện “khát” của xã. Thiếu nước đã trở thành nỗi ám ảnh với những người dân nơi đây, cứ đến hẹn lại khát và người dân đến hẹn lại lo.
 
Tại đây có 10/11 bản và hơn 80% dân số thiếu nước nên nhiều người dân quen gọi là xã “khát”. Giọi nước ở đây được ví bằng những hạt gạo để nuôi sống con người. Cũng theo ông Dìa thì tình trạng khan hiếm nước là thực trạng chung trong toàn xã. Cách đây mười năm nếu có thiếu chỉ thiếu 2 - 3 tháng thôi, nhà này thiếu lại xin nhờ nhà khác nên cũng không đáng ngại. Mấy năm gần đây khi mùa khô đến, nguồn nước cạn kiệt hết, may chỉ có vài nhà ở dưới các thung là có nước, nhưng cũng chẳng đáng là bao”.
 
Cùng chung cảnh ngộ, Phà Đánh được xem là địa phương thiếu nước trầm trọng nhất của huyện Kỳ Sơn. Chủ tịch UBND xã Phà Đánh Kha Trạch Khăm cho biết: Mùa khô năm nay 2/3 dân số của địa phương sẽ thiếu nước sinh hoạt. Toàn xã chỉ có 2/10 bản có ít nước, còn lại đều phải đi tìm nước ở vùng khác để phục vụ cuộc sống chứ chưa nói đến cần nước để phục vụ mục đích khác… Còn Trạm trưởng Trạm y tế xã Phà Đánh Lô Văn Toán luôn thường trực nỗi lo không đủ nước cho đồng bào sinh hoạt thì nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất lớn, vì vậy mùa khô đối với trạm y tế lại chồng chất khó khăn.
 
Ngổn ngang nỗi lo
 
Ông Nguyễn Anh Đoài - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Toàn huyện có gần 150 công trình nước phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho bà con đồng bào các dân tộc với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỉ đồng từ các chương trình đầu tư như 134, 135/CP... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như lũ lụt, đầu tư thiếu đồng bộ cũng như quá trình khảo sát thi công còn có nhiều vấn đề hạn chế nên đến thời điểm hiện tại chỉ có 1/3 số công trình đang còn phát huy hiệu quả, số còn lại đã bị hư hỏng hoặc không còn giá trị sử dụng vì nguồn nước đầu nguồn đã bị cạn kiệt.
 
Cũng theo ông Đoài thì để khắc phục tình trạng thiếu nước hiện nay cần một nguồn kinh phí nâng cấp và sửa chữa lên đến hàng chục tỉ đồng, điều này nằm ngoài khả năng của huyện. Vì vậy mùa khô thiếu nước là điều hiển nhiên.
 
Thực trạng thiếu nước đang hiện hữu ở 13/21 xã, thị của Kỳ Sơn không phải là ở đây không được đầu tư xây dựng các công trình nước phục vụ sinh hoạt cho đồng bào mà vì nhiều công trình nơi đây đã hư hỏng và xuống cấp.
 
Bên cạnh đó do ý thức của người dân trong việc bảo vệ các công trình cũng như việc chặt phá rừng một cách bừa bãi nên nước đầu nguồn bị cạn kiệt. Huồi Tụ và Phà Đánh là hai địa phương có nhiều công trình nước bị hư hỏng nhiều nhất. Xã Huồi Tụ chỉ có 3/10 công trình đang còn sử dụng, còn lại đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.
 
Trong 800 hộ đồng bào ở đây thì có hơn 80% gia đình thiếu, thậm chí không có nước để sinh hoạt hàng ngày. Còn xã Phà Đánh gần kề thực trạng còn đáng lo hơn. Toàn xã có 30 bể chứa nước tự chảy thì có hơn 2/3 bể bị bỏ hoang vì không có nước do công trình hư hỏng, chỉ có 2/10 bản có một ít nước được xem là tạm đủ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
 
Tình trạng thiếu nước phục vụ dân sinh và các nhu cầu khác trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Kỳ Sơn là rất nghiêm trọng và trở thành nỗi lo không của riêng ai. Đã đến lúc chính quyền, các cấp các ngành cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ để đồng bào các dân tộc nơi đây vơi bớt những khó khăn, đảm bảo được vấn đề an sinh cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ an ninh, an toàn khu vực biên giới của Tổ quốc.

Xuân Thống - Ngọc Thái
.