(Congannghean.vn)-Đã hơn 20 năm, Việt Nam bước vào xa lộ thông tin thế giới, kết nối với internet toàn cầu. Cũng là tròn 2 thập kỷ, đất nước ta vươn mình, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới. Từ xa lạ, mạng xã hội trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của mỗi người dân. Thế nhưng tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến trên trang cá nhân cũng phải song hành với trách nhiệm của mỗi công dân trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin, phù hợp với các quy định của luật pháp hiện hành.
Hiện thực khách quan
Hành vi lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo sự thật cần phải xử lý nghiêm minh |
Công dân Việt Nam có tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và mạng xã hội nói riêng không? Nếu đưa câu hỏi ấy dành cho nhiều người, tôi nghĩ, đáp án không quá khó để xác nhận. Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam vào tháng 1/2020. Trong đó, tổng số người sử dụng các dịch vụ có liên quan tới internet tại Việt Nam đã chính thức tăng khoảng 6,2 triệu kể từ năm 2019 tính đến năm 2020. Đã có 65 triệu người Việt hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt cuộc sống và kể cả quảng cáo bán hàng. Có thể thấy, từ khi xuất hiện vào Việt Nam, mạng xã hội facebook, zalo hay Twitter… đã được người dân Việt Nam chọn lựa để đăng tải những thông tin, hình ảnh, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ... Nhiều cơ quan, đơn vị hành chính còn sử dụng mạng xã hội để kết nối, trao đổi công việc, xem đây là phương tiện hữu hiệu để giảm bớt thời gian đi lại, truyền đạt thông tin dễ dàng hơn.
Thực tiễn đã minh chứng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Điều này được quy định rõ ràng trong Hiến pháp và các quy định cụ thể. Thông qua mạng xã hội, người dân được bày tỏ chính kiến, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi các góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng ở Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều thông tin từ mạng xã hội đã được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời. Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo đảm quyền tự do thông tin của người dân. Trong đó phải kể đến như Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”...
Thế nhưng, trái ngược với hiện thực khách quan tại Việt Nam, các thế lực thù địch và đối tượng phản động lại cố tình bóp méo, xuyên tạc. Không khó để nhận ra, những cá nhân, tổ chức đưa ra những quan điểm sai trái trên, đều đi ngược lại với quyền lợi và mong muốn của mỗi người dân Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra là, tại sao trong hơn 60 triệu người sử dụng mạng xã hội, chỉ rất ít ỏi - những cái tên vốn đã đi vào vết xe đổ trong hoạt động chống phá chính quyền mới bị xử lý vì hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đó là bởi vì họ đã vi phạm pháp luật. Và lẽ dĩ nhiên, người vi phạm thì phải bị xử lý theo quy định hiện hành.
Định vị trách nhiệm công dân
Ngoài những nhu cầu cơ bản, mỗi công dân còn có mong muốn lớn lao, đó là được sống, làm việc trong môi trường an toàn, được bảo vệ, được tôn trọng. Cũng như cuộc sống, mạng xã hội cũng cần phải được thiết lập “vùng trời an toàn” mà trong đó, mỗi công dân IT phải được pháp luật bảo vệ. Mạng xã hội không ảo, bởi đứng đằng sau những phát ngôn ảo đó là những con người thật. Và với sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, thật khó có thể hình dung, mức độ ảnh hưởng của nó lớn như thế nào? Không chỉ tại Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều đưa ra những quy định cụ thể với các hành vi, phát ngôn trên mạng xã hội. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, khoảng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật và dưới luật về an ninh mạng. Tuy tên gọi có thể khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng các luật này có mục tiêu chung là tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân, cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường internet.
Hiện nay, theo thống kê của Microsoft, có đến 39% người dùng mạng xã hội tại Việt Nam gặp phải những thông tin có tính chất bịa đặt, lừa đảo. Trong đó, không ít các trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng qua các hành vi: Xúi giục, lôi kéo người khác phạm tội; xúc phạm, phân biệt đối xử về giới, tôn giáo… Việc Chính phủ ban hành quy định pháp luật và hoàn thiện theo thời gian là cơ sở quan trọng để thực thi và bảo đảm quyền lợi người dân trên không gian mạng. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định khá cụ thể về hành vi thông tin sai sự thật trên môi trường viễn thông.
Luật An ninh mạng (quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan) được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Sau một năm thực thi, Luật đã phát huy vai trò tích cực trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Trên cơ sở đó, ngày 3/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. Sự ra đời của Nghị định dựa trên những căn cứ thực tiễn, pháp lý rõ ràng; những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu hình sự sẽ bị cảnh báo, xử phạt tương xứng.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời là khách quan, có căn cứ thực tiễn, pháp lý rõ ràng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về an toàn thông tin mạng, đảm bảo cho mạng xã hội phát triển lành mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng, phát huy hiệu quả, khẳng định, bảo vệ quyền tự do thông tin, tự do internet của mọi công dân. Ðối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp..., trên cơ sở đó góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, riêng đối với những hành vi lừa đảo, tung tin sai sự thật lên mạng xã hội, mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn để người dùng mạng xã hội cần biết và cân nhắc trước khi phát ngôn trên không gian mạng xã hội.
Và chỉ mới đây thôi, khi người dân cả nước đang rất lo lắng, hoang mang bởi dịch COVID-19; khi các cấp, các ngành cùng đội ngũ y, bác sĩ đang gồng mình chống dịch thì nghịch cảnh là, nhiều người đã phát tán lên mạng xã hội hàng loạt những thông tin bịa đặt; rằng nơi này, nơi kia có người bị nhiễm hoặc bị chết vì COVID-19. Trong số này có cả những ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi mà lâu nay công chúng từng mến mộ... Việc xử lý kịp thời, kiên quyết của cơ quan chức năng được dư luận đồng tình, ủng hộ. Bởi dịch bệnh không đáng sợ, nếu chúng ta tỉnh táo, bình tĩnh, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng, chống bệnh và thực hiện nghiêm túc; điều đáng sợ là việc tin theo thông tin lệch lạc, xuyên tạc trên mạng xã hội, có mục đích gieo rắc hoang mang, sợ hãi, kích động hành vi tiêu cực trong cộng đồng.
Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực từng ngày để bảo đảm quyền được thông tin của người dân. Những thành quả trên thực tế trong thời gian qua tại Việt Nam là rất đáng trân trọng. Hưởng “trái ngọt” đó, mỗi người dân chúng ta cũng phải ý thức rõ trách nhiệm công dân của mình trên xa lộ thông tin toàn cầu, luôn cảnh giác và kiên quyết đấu tranh kịp thời với những luận điệu “diễn biến hòa bình”, truyền bá những quan điểm sai trái gây kích động thù địch, vu cáo, xuyên tạc tình hình làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, của xã hội và của đất nước; nhất là trong giai đoạn chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
.