Theo nghị quyết 27 TƯ 7 về cải cách tiền lương, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới., xin Phó Thủ tướng khái quát các bước chuẩn bị cho cải cách tiền lương đến nay thực hiện như thế nào?
Căn cứ nghị quyết số 27 của TƯ, ngày 16/8/2018, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 107 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết này.
Sau đó, các bộ, cơ quan ở TƯ đã thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập cải cách chính sách tiền lương và xây dựng kế hoạch triển khai việc thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.
Trong năm 2019, Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đã họp 2 phiên nghe báo cáo về tiến độ, các phương án thiết kế bảng lương, chế độ phụ cấp, phương án bố trí nguồn cải cách tiền lương và những khó khăn trong việc thực hiện.
Đến nay, các bộ, ngành đang tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới thay thế chế độ tiền lương hiện hành.
Ngoài ra, các bộ ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức các hội nghị phổ biến quán triệt chế độ tiền lương mới.
Mới đây, các ĐBQH đã đồng thuận cao biểu quyết thông qua bộ luật Lao động (sửa đổi), thể chế hóa được yêu cầu của nghị quyết TƯ về độ tuổi nghỉ hưu và nhiều nội dung liên quan tới khu vực DN như tiền lương tối thiểu, hội đồng tiền lương, phương pháp trả lương...
Thủ tướng cũng ban hành các quyết định về cơ chế tiền lương đặc thù đối với một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như một số đơn vị cấp cục của Bộ Tài chính, NN&PTNT, GTVT...
Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành nghị định về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại DNNN; nghiên cứu sửa đổi nghị định 16/2015 về cơ chế tự chủ tài chính theo hướng áp dụng chung cho tất cả các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trên tinh thần quán triệt cụ thể các nghị quyết của TƯ.
Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nghị định liên quan đến cải cách tiền lương.
Như vậy, sau 1 năm, Chính phủ, QH và Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã triển khai nhiều công việc để có thể thực hiện cải cách lương vào năm 2021.
Thực hiện cải cách tiền lương theo hướng thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Bổ sung quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Theo đó, mức lương cơ bản của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng so với hiện hành.
Đồng thời, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo; bãi bỏ cơ chế tài chính đặc thù hiện đang áp dụng đối với một số ngành để thiết lập một mặt bằng tương quan tiền lương mới hợp lý hơn giữa các ngành nghề.
Theo tính toán của một số chuyên gia, khi cải cách tiền lương, mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức là 4,14 triệu đồng, cao nhất có thể lên đến hơn 33 triệu đồng/tháng. Vậy bức tranh tiền lương từ năm 2021 sẽ như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Nghị quyết số 27 đã xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương như sau: Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
Đồng thời, mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực DN phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN. Tức là lương khởi điểm của cán bộ, công, viên chức có trình độ trung cấp tương gần 4,2 triệu đồng.
Theo đó, mức tiền lương cơ bản trong bảng lương mới sẽ được thiết kế theo tinh thần của nghị quyết số 27 trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước có so sánh với khu vực DN, phấn đấu tạo nguồn để có thể vừa tăng lương vừa mở rộng quan hệ tiền lương để thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức có mức tăng tương xứng.
Chỉ còn 1 năm để chuyển sang thực hiện theo bảng lương mới nhưng hiện nay khối lượng công việc để cải cách tiền lương vẫn còn bộn bề. Trong khi đó ngân sách nhà nước cũng đang “gánh” nhiều nhiệm vụ chi quan trọng khác. Là Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương Phó Thủ tướng có lo lắng về tình khả thi của mục tiêu cải cách sắp tới?
Các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai, tuy nhiên, có thể kết quả chưa thật đồng đều. Việc này gắn với công tác sắp xếp cán bộ nên cần có thời gian, cẩn trọng và bảo đảm đúng quy trình, quy định. Khối lượng công việc triển khai còn rất nhiều, phức tạp nên các bộ, cơ quan ở TƯ và địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã giao.