Thứ Hai, 10/06/2019, 09:54 [GMT+7]

Làm sao luật hóa hành vi nịnh bợ?

Bộ Nội Vụ mong muốn đưa quy định cán bộ công chức không được nịnh bợ cấp trên vào Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức. Đây là một ý tưởng không tệ, nhưng lại không dễ thực hiện.
 
Bởi lẽ, định lượng hành vi nịnh bợ như thế nào, hoàn toàn không đơn giản. Nếu đưa vào luật, mà không áp dụng được thì lại thành chuyện dở khóc dở cười!
 
Nịnh bợ là một hành vi mang giá trị tinh thần nhiều hơn giá trị vật chất. Nếu nịnh bợ bằng cách biếu tặng hoặc dâng hiến cho cấp trên món quà nọ hoặc vật phẩm kia, thì đã bị khống chế bởi Luật phòng chống tham nhũng.
 
Thế nhưng, nịnh bợ bằng lời nói hoặc bẳng cử chỉ thì muôn hình vạn trạng và rất nhiều sắc độ. Không ai có thể cụ thể hóa một cách đầy đủ mọi hành vi nịnh bợ, khi những kẻ ton hót và những kẻ tâng bốc không màng đến liêm sỉ của chính họ!
 
Một khi muốn luật hóa hành vi nịnh bợ, thì sẽ xuất hiện ranh giới mong manh giữa những biểu hiện được cho phép và những biểu hiện bị cấm đoán. Liệu nói 3 câu khen ngợi cấp trên có khác gì nói 2 câu khen ngợi cấp trên không? Liệu việc đon đả xách cặp cho cấp trên có khác gì việc hớn hở lau giày cho cấp trên không?
 
Liệu chuyện mỗi ngày 4 lần gõ cửa hỏi thăm sức khỏe cấp trên, có khác gì chuyện mỗi ngày đứng chờ ở thang máy 5 bận để chúc cấp trên an lạc tâm hồn không? Khi những câu hỏi có vẻ trớ trêu trên, không thể cân đong nặng nhẹ, thì luật hóa hành vi nịnh bợ chỉ mang tính hình thức gây tranh cãi và thị phi.
 
Một xã hội văn minh cần chống lại hành vi nịnh bợ, nhưng không thể viện dẫn điều A hoặc khoản B trong bất kỳ văn bản pháp quy nào được. Vì sao? Vì đối tượng bị phán xét có hành vi nịnh bợ sẽ phủ nhận đến cùng. Những kẻ tinh ranh quyết tâm luồn lách trong hệ thống công quyền để chuyên sống bằng nghề nịnh bợ cấp trên, thì họ vốn đã khinh rẻ nhân phẩm bản thân, thì làm sao biết tôn trọng ý kiến đóng góp thiện chí của người xung quanh.
 
Hơn nữa, hình phạt cho hành vi nịnh bợ như thế nào? Không thể có hình phạt tương thích cho những kiểu nịnh bợ khó phân biệt chiều kích như nịnh bợ ít, nịnh bợ nhiều, nịnh bợ vừa vừa, nịnh bợ hạ đẳng, nịnh bợ siêu sao… Và khủng khiếp nhất là làm sao xóa được cái quan niệm lệch lạc đã ăn sâu vào trí não đội ngũ công chức "muốn có ngày mai được nịnh bợ, thì hôm nay phải biết nịnh bợ"?
 
Đặt ra vấn đề nịnh bợ cấp trên đối với cán bộ, viên chức là một chủ trương đáng hoan nghênh. Khi hành vi nịnh bợ càng ngày càng tràn lan trong mỗi công sở, mỗi cơ quan, mỗi nhà máy... nghĩa là đạo đức công vụ đã đến mức báo động. Nếu đã xác định hành vi nịnh bợ như một tệ nạn phải thanh tẩy, thì muốn đẩy lùi hành vi nịnh bợ không thể trông chờ vào các biện pháp cứng rắn áp dụng cho... cấp dưới.
 
Chính những vị cấp trên mới có đủ điều kiện để giải quyết hành vi nịnh bợ. Và chỉ khi cấp trên mạnh dạn khước từ những kẻ nịnh bợ thì thái độ ấy sẽ tiêu diệt hành vi nịnh bợ! Một cấp trên tỉnh táo sẽ hiểu rằng, một hành vi nịnh bợ đến với họ lúc đương chức đương quyền sẽ là mầm mống của một hành vi ngược lại lúc họ không còn cái ghế lãnh đạo. 
.

Nguồn: CAND

.