(Congannghean.vn)-Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là vấn đề không mới. Tuy không nhức nhối như các địa phương khác, song, tại các huyện miền núi Nghệ An, tình trạng này vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn trong việc hạn chế, giảm thiểu.
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết góp phần nâng cao chất lượng dân số |
Thực trạng thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình trong những năm gần đây cho thấy việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tuy không nhiều như ở các tỉnh miền Tây Bắc nhưng cũng tiềm ẩn trong các gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An, nhất là ở các vùng dân tộc Mông, Khơ mú việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán.
Những hủ tục như hứa hôn, cưỡng hôn mang tính gả bán, tâm lý sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi, kết hôn sớm để gia đình có thêm người làm nương rẫy... là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, sự nghèo đói, thất học, không có việc làm, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhất là ở một số nơi, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng là những lý do tác động, làm ảnh hưởng gia tăng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2021” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016 - 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, các hội nghị trực tiếp truyền thông tại 9 điểm xã của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông và 1 trường THPT thuộc huyện Kỳ Sơn. Đồng thời, tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình tại các địa bàn.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả vẫn chưa thực sự rõ nét. Đáng nói, sự can thiệp của phía chính quyền cơ sở chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết và các chế tài xử lý không thật sự nghiêm khắc. Cá biệt, có trường hợp cán bộ chủ chốt của xã cũng vi phạm, do đó, việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn xảy ra. Trong đó, diễn ra phổ biến là tại vùng đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú ở các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Con Cuông. Trong khi đó, vẫn còn những phong tục tập quán các dân tộc với quan niệm phải lấy trong anh em, con cháu để dễ dàng tích lũy tài sản vốn không phải ngày một ngày hai là có thể thay đổi.
Nghệ An là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi cao, các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Trong khi đó, còn khoảng hơn 200 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, việc tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra, nhất là việc di dịch cư trái phép vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Qua khảo sát và triển khai thực hiện Đề án tại 9 xã được chọn làm mô hình điểm có tình trạng nguy cơ tảo hôn cao và có hôn nhân cận huyết cho thấy, tại các địa bàn vẫn xảy ra thực trạng này. Theo kết quả khảo sát, tại huyện Kỳ Sơn, xã Huồi Tụ có 36 cặp tảo hôn, xã Mường Lống có 29 cặp, xã Nậm Cắn có 4 cặp; xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có 21 cặp tảo hôn; xã Tam Hợp, huyện Tương Dương có 22 cặp tảo hôn.
Có thể thấy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết không chỉ đi ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt mà còn vi phạm pháp luật và nguy hại hơn nữa, những hậu quả để lại cho thế hệ tương lai thật khó lường. Thực tiễn và khoa học đã chứng minh những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết có nguy cơ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với các em bình thường. Đặc biệt, đối với các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết có nguy cơ bị bệnh mù màu, bạch tạng, da vảy cá. Đồng thời, việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng khiến các gia đình bị rơi vào vòng quay luẩn quẩn của đói nghèo, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Thực trạng này còn làm ảnh hưởng chất lượng nhân lực, tạo lực cản đối với việc phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Thực trạng, hậu quả và nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” là rất cần thiết và cấp bách, cần phải triển khai quyết liệt, đồng bộ và kịp thời của cả hệ thống chính trị các cấp. Ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, việc tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, triển khai các mô hình nhằm thay đổi hành vi, góp phần giúp người dân tăng khả năng tiếp cận thông tin cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, các gia đình là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu noi theo, tạo nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.