(Congannghean.vn)-Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây nên thời tiết cực đoan, rất khó dự báo. Trước những thiệt hại nặng nề mà thiên tai gây ra trong thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng tránh, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Ngư dân vùng biển Cửa Lò neo đậu, chằng buộc tàu thuyền, nhà cửa để ứng phó với bão số 10 năm 2017 |
Nhiều thách thức…
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ với cường độ lớn, thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Để chủ động ứng phó với BĐKH và diễn biến cực đoan của thời tiết, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã xây dựng nhiều phương án nhằm chủ động ứng phó với các nguy cơ.
Tuy nhiên, qua khảo sát và diễn biến thực tế, BĐKH đã diễn ra nhanh hơn so với các phương án dự báo. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng mưa lớn, trong đó có mưa cục bộ ở nhiều khu vực vượt mốc lịch sử, mưa trái mùa như mưa sớm hơn và mưa muộn cuối vụ sau khi các hồ chứa đã tích đầy nước; bão trên cấp 11, 12, lũ lớn cũng diễn ra thường xuyên hơn, có thể ngay từ đầu năm và kéo dài đến cuối năm..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển sản xuất, đời sống của nhân dân.
Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 28 đợt không khí lạnh, 9 đợt nắng nóng, 22 đợt tố lốc, dông sét, 3 cơn bão và 3 đợt lũ. Ảnh hưởng của thiên tai đã làm chết 21 người, mất tích 2 người, bị thương 15 người; 175 nhà ở bị sập, cuốn trôi, hơn 1.600 ngôi nhà thiệt hại nặng, 4.305 nhà bị ngập; thiệt hại 57.868,28 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản; làm chết 1.299 con gia súc, 75.897 con gia cầm; gây hư hỏng nhiều công trình trường học, đê điều, thủy lợi, giao thông nông thôn và hạ tầng thiết yếu khác... Tổng ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 2.687,08 tỉ đồng.
Do ảnh hưởng của bão, nhiều nhà hàng, cây xanh bị tốc mái, gãy đổ |
Riêng 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 7 đợt dông lốc, mưa đá tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Châu. Ảnh hưởng của thiên tai đã làm chết 2 người, bị thương 1 người; 7 nhà ở bị sập, 601 nhà bị tốc mái; 201,74 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản; làm chết 6 con gia súc, 661 con gia cầm; gây hư hỏng nhiều công trình trường học, đê điều, thủy lợi, giao thông nông thôn và hạ tầng thiết yếu khác... Tổng ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 8,081 tỉ đồng.
Chung tay hành động
Theo dự báo, năm 2018, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông ảnh hưởng tới Nghệ An có khả năng tương đương hoặc nhiều hơn các năm trước. Cụ thể, tại cuộc họp triển khai phòng, chống thiên tai năm 2018 của tỉnh Nghệ An, báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết, mùa bão 2018 có thể xuất hiện sớm, ảnh hưởng đến Nghệ An nhiều hơn. Nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 8/2018, trên phạm vi khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, nắng nóng có xu hướng xuất hiện muộn và ít gay gắt hơn.
Về thủy văn, mùa khô năm 2018, dòng chảy các sông suối phổ biến ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm, trên nhiều sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Trong mùa lũ năm 2018, đỉnh lũ tại các sông suối ở Nghệ An phổ biến ở mức báo động 2, 3; một số sông suối trên báo động 3; lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa giông, lốc xoáy trái mùa gây ra và nhất là trong thời điểm chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa, UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành và chính quyền các cấp tuyên truyền sâu rộng để nhân dân chủ động ứng phó với những hiện tượng cực đoan của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên các kênh truyền thông, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ và thông báo từ các bản tin địa phương để kịp thời có các biện pháp ứng phó. Các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng thiên tai cần thường xuyên kiểm tra, tu sửa nhà cửa, bảo vệ tốt các công trình công cộng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Hàng ngày, người dân nên kiểm tra hệ thống đường điện, gia cố chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Khi trời mưa lớn kèm theo dông, sét, lốc xoáy cần sơ tán người già và trẻ nhỏ tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh tiếp xúc với những vật dụng bằng kim loại,đồng thời ngắt các thiết bị điện trong nhà.
Những năm qua, biến đổi khí hậu thường xuyên gây mưa lớn và lũ nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh ta |
Ông Phan Hồng Thương, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó và khắc phục thiên tai, lũ lụt, với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành các văn bản, công điện cảnh báo mưa lũ, lốc xoáy, sạt lở đất. Chỉ đạo trực tiếp ban chỉ huy các huyện, xã theo dõi và sẵn sàng huy động phương tiện, lực lượng thường trực để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra...; tổng hợp số liệu và báo cáo kịp thời tình hình bão lũ diễn ra tại địa phương về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để có phương án giải quyết.
Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách, Ban chỉ đạo đã đẩy mạnh công tác diễn tập, ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn xã vùng điểm; tổ chức khơi thông các đường tập trung lũ ở phía thượng lưu, các khu vực cần bảo vệ, tránh hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy, tích tụ nước, tạo ra lũ quét, lũ ống nghẽn dòng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình thủy lợi.
Cùng với đó, chủ động bố trí kinh phí để sửa chữa các công trình hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh căn cứ các vết lũ hoặc tàn tích do lũ quét gây ra để xây dựng các phương án lâu dài, tăng cường tuần tra kiểm soát, canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư sẵn sàng xử lý theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thực địa tại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, công trình thủy lợi trọng yếu, đưa ra phương án xử lý kịp thời, tránh thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản...
Tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là dự báo đối với những hình thái thời tiết nguy hiểm, bất thường, có nguy cơ xảy ra thiệt hại lớn; duy trì hoạt động chế độ thường trực 24/24 giờ thường xuyên trong mùa mưa lũ.