(Congannghean.vn)-“Bắt vợ” là một phong tục tốt đẹp có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc Mông, Thái. Trải qua thời gian, phong tục này có phần bị biến tướng dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Đáng chú ý là liên tiếp những ngày gần đây trong dịp Tết Nguyên đán, hình ảnh phản cảm ghi lại việc bắt vợ ở một số địa phương được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội đã gây sự chú ý trong dư luận.
Tục “bắt vợ” đã có nhiều biến tướng, gây bất bình trong dư luận (Ảnh minh họa) |
Ngày 4/2, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một thiếu nữ 16 tuổi ở Hà Giang bị nhóm nam thanh niên bắt về làm vợ tại một con đường vắng. Bị kéo đi bất ngờ, cô gái này đã nhặt đá bên đường ném và chống cự rất quyết liệt. Ngay ngày hôm sau, một clip bắt vợ khác ghi lại cảnh một gia đình ở Sa Pa (Lào Cai) đi bắt vợ về cho con trai. Hình ảnh cô bé nằm vật vã dưới đất, khóc lóc van xin khiến dư luận rất bất bình. Mặc cho nhiều du khách cũng như giáo viên của nữ sinh này ra sức khuyên giải nhưng phía gia đình nhà trai vẫn kiên quyết kéo cô bé về nhà bằng được.
Đặc biệt, cảnh tượng này lại xảy ra ngay tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Trong clip dài hơn 3 phút là cảnh cô gái bị nhóm người ép lên xe máy cho dù cô gái không đồng ý. Trước sự quyết liệt của những nam thanh niên trên, cô gái gào khóc thảm thiết, liên tục cầu xin sự giúp đỡ của những người xung quanh nhưng không một ai giúp đỡ. Khi xe máy đi được một đoạn khá xa, cô gái tiếp tục giãy giụa rồi ngã xuống khỏi xe. Rất may, cuối cùng cô gái này đã vùng chạy và thoát khỏi nhóm thanh niên.
Sau khi đoạn video clip đăng tải đã gây sự chú ý, quan tâm của dư luận và được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Hầu hết dư luận đều thể hiện sự bất bình và cho rằng đây là những hình ảnh phản cảm, thể hiện sự biến tướng của phong tục “bắt vợ” và hoàn toàn đi ngược lại với phong tục tốt đẹp vốn có từ ngàn đời nay của đồng bào các dân tộc Mông, Thái.
Thạc sỹ Bùi Minh Thuận, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh, chuyên nghiên cứu về dân tộc học cho biết: “Cũng như người Mông, phong tục “bắt vợ” của đồng bào Thái có từ lâu đời và nguồn gốc tốt đẹp. Theo truyền thống xa xưa, hôn nhân của người Thái mang tính chất gả bán. Khi người con trai và người con gái Thái yêu thương nhau và quyết định đến với nhau thì hai gia đình sẽ gặp mặt. Nhà gái sẽ thách cưới nhà trai, thách cưới càng cao thì giá trị cô gái càng lớn, đó cũng vừa là cách để trả công ơn sinh thành, nuôi dưỡng đối với nhà gái. Thường thì nhà gái đều thách cưới rất cao khiến nhà trai khó lòng hỏi cưới. Để phản kháng lại việc thách cưới, phong tục “bắt vợ” ra đời để các đôi trai gái chống lại việc ngăn cản yêu đương tự do từ phía gia đình. Theo đó, khi trai gái đến tuổi trưởng thành, vào ban đêm, người con trai đến nhà con gái trò chuyện rất khuya, nhân lúc nhà gái không để ý thì kéo cô gái bỏ đi, đến ngày hôm sau chàng trai dẫn cô gái về nhà chịu phạt của nhà gái và làm thủ tục cưới hỏi”.
Căn cứ nguồn gốc và bản chất của phong tục này có thể thấy rằng, hành động bắt vợ như những clip gần đây thể hiện sự biến tướng của phong tục này. Có rất nhiều cô gái dù không yêu nhưng vẫn bị các chàng trai bắt đi. Không ít người, nhất là thanh niên đã lợi dụng phong tục này để hòng chiếm đoạt người con gái mình yêu.
Quỳ Hợp là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Thái sinh sống và hiện nay, phong tục “bắt vợ” vẫn được duy trì. Trên thực tế, hầu hết những cô gái khi bị chàng trai bắt đi thì không thể chống cự, sau khi về nhà chồng, cô gái phải bỏ dở việc học hành để làm vợ, làm mẹ khi chỉ mới 15, 16 tuổi.
Tại Trường THPT Quỳ Hợp 3, sau mỗi kỳ nghỉ Tết, có nhiều nữ sinh người Thái bỏ học lấy chồng. Theo thống kê, trong năm học 2015 - 2016 có tới 4 trường hợp. Mặc dù chưa đến tuổi kết hôn và cô gái không đồng ý, tuy nhiên theo quan niệm của người Thái, do áp lực cộng đồng nên cô gái không dám bỏ về, và dù có bỏ về nhà bố mẹ đẻ thì cô gái cũng được xem đã có 1 đời chồng. Bởi thế mà dù nhà trường đã thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh nhằm hạn chế học sinh bỏ học, tảo hôn nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Thạc sỹ Bùi Minh Thuận cho biết thêm: “Nguyên nhân của phong tục này phần lớn do sự hiểu biết, nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế dẫn đến hành vi sai lệch. Điều đáng nói là hành động này được cộng đồng của họ ủng hộ, vì thế để ngăn chặn những biểu hiện biến tướng của phong tục “bắt vợ” thì cộng đồng phải lên án. Cái cốt lõi vẫn là tuyên truyền, giáo dục đối với bộ phận thanh niên, nhất là các bậc cao niên, già làng, trưởng bản để họ bày dạy, nhắc nhở con cháu”.
Trở lại với vụ việc bắt vợ ở Quỳ Hợp trong clip vừa qua, Công an huyện Quỳ Hợp đã triệu tập các thanh niên trong clip lên làm việc. Qua tìm hiểu được biết, do muốn giữ chân người yêu không cho đi làm xa nên chàng trai đã bắt lại, hiện nay cô gái đã đi vào miền Nam làm việc. Cơ quan Công an xét thấy hành vi này chưa đủ mức độ truy cứu hình sự và phía gia đình nhà gái cũng có yêu cầu không xem xét trách nhiệm hình sự.
Rõ ràng, phong tục “bắt vợ” đang là nỗi ám ảnh của rất nhiều cô gái đồng bào dân tộc Thái không chỉ ở Nghệ An khi mà những cô gái này đang có nguy cơ bị xâm hại, cưỡng hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn. Và phong tục này sẽ còn có nguy cơ bị biến tướng khi mà nhận thức pháp luật của một số người dân đang còn hạn chế, điều này cũng đồng nghĩa với việc thực hành một phong tục văn hóa với việc vi phạm pháp luật có ranh giới rất mong manh.
Nạn nhân của phong tục này sẽ không chỉ là những cô gái mà kéo theo đó là cả những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của cả một cộng đồng, làm nền kinh tế trì trệ khi mà nạn tảo hôn vẫn đang là một vòng luẩn quẩn kéo dài dai dẳng. Ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng dân tộc trong việc tuyên truyền, giáo dục thì bản thân mỗi cô gái cũng phải thay đổi nhận thức, hiểu được quyền lợi của mình để không trở thành nạn nhân một khi phong tục này bị biến tướng.