Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201702/tinh-nguoi-sau-la-co-giai-phong-tham-mau-723689/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201702/tinh-nguoi-sau-la-co-giai-phong-tham-mau-723689/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tình người sau lá cờ giải phóng thấm máu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 18/02/2017, 08:54 [GMT+7]

Tình người sau lá cờ giải phóng thấm máu

(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã gây ra quá nhiều nỗi đau và cũng chính trên trận địa khốc liệt ấy đã nảy nở những câu chuyện tình người thấm đẫm nhân văn, khai sáng, làm “bừng tỉnh” và thay đổi biết bao tâm hồn, để rồi trải qua nhiều thập kỷ, có biết bao cựu binh Mỹ luôn day dứt về những gì mình đã gây ra và tìm cách sang Việt Nam để thực hiện những tâm nguyện còn dang dở…

Những ngày cuối cùng của năm cũ, chúng tôi nhận được tin của cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 về việc đơn vị vừa tiếp nhận một kỷ vật vô cùng đặc biệt của một người lính Mỹ trả lại sau gần 50 năm tìm kiếm. Đó là lá cờ giải phóng hai màu xanh, đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng. Điểm đặc biệt là trên lá cờ loang lổ vết máu đã khô. Thông tin về kỷ vật này khiến chúng tôi tò mò và bắt đầu tìm hiểu câu chuyện. Và đằng sau lá cờ giải phóng thấm máu đó là một câu chuyện dài đầy nhân văn ở hai chiến tuyến.

Thượng tá Nguyễn Thị Tiến (người đứng thứ 2 từ bên trái sang) bàn giao lá cờ giải phóng cho Bảo tàng Quân khu 4 cuối năm 2016
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến (người đứng thứ 2 từ bên trái sang) bàn giao lá cờ giải phóng cho Bảo tàng Quân khu 4 cuối năm 2016

Câu chuyện đằng sau lá cờ giải phóng thấm máu

Người lính Mỹ trong câu chuyện này là ông Denver Shannon, khi đó là dược tá của đội biệt kích Mỹ, được cử sang Việt Nam làm nhiệm vụ. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Denver biết và tìm cách liên lạc với Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, người đã dành gần nửa đời mình để đi tìm hài cốt, di vật liệt sỹ.

Đó là vào mùa hè năm 2015, Thượng tá Tiến nhận được email đến từ nước Mỹ của một người đàn ông nhận mình từng là một kẻ hung bạo thời chiến tranh và bao nhiêu năm nay luôn day dứt về cuộc chiến tranh Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Điều đáng nói là Denver đang giữ bên mình di vật của một người lính Việt Nam trước lúc hy sinh và ông muốn được thực hiện di nguyện cuối cùng của người lính: Đó là trả lại kỷ vật này về đúng chỗ. Theo lời kể của Thượng tá Tiến, câu chuyện về hai người lính ở hai bên chiến tuyến được tái hiện như một thước phim quay chậm.

Năm 1969, đơn vị của Denver đang làm nhiệm vụ tại khu vực Bảy Núi, tỉnh An Giang, tiến vào khu vực U Minh thì ông nghe tiếng rên rỉ phát ra từ phía lùm cây. Ông tiến lại và phát hiện có một người lính giải phóng bị thương rất nặng. Khi kể với Thượng tá Tiến về điều này, Denver nói thật khó để giải thích được lúc đó vì sao ông lại quyết định giúp đỡ người lính đó, có thể là vì một chút trắc ẩn khi thấy anh ta cũng làm nghề y như mình. Tôi tạm gọi đó là chút tình người trên chiến trận.

Người lính Việt Nam được Denver giúp đỡ là Lê Văn Tánh khi đó đang bị thương rất nặng, trên người mặc chiếc áo in hình chữ thập. Sau khi băng bó vết thương, Denver tiêm cho Tánh một liều moocphin để giảm đau. Do vết thương ra nhiều máu, Denver đã lấy thêm lá cờ giải phóng ở gần đó băng bó, máu thấm đẫm cả lá cờ rồi châm cho Lê Văn Tánh một điếu thuốc. Họ, hai người lính không cùng chiến tuyến đã có một cuộc trò chuyện ngắn trước khi Lê Văn Tánh trút hơi thở cuối cùng. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi cùng với hình ảnh đau thương của người chiến sỹ giải phóng nằm lại nơi chiến trường không ai hay biết đã tác động đến Denver rất nhiều và ám ảnh ông cho đến tận bây giờ.

Trước lúc ra đi, Lê Văn Tánh giao lại cho ông một chiếc túi, nhờ ông đưa cho đồng đội hoặc gia đình và dặn Denver không được mở chúng ra. Denver đã nhận lấy túi đồ và hứa sẽ giúp Lê Văn Tánh thực hiện tâm nguyện cuối cùng.

 Cuốn sổ nhật ký của liệt sỹ Lê Văn Tánh và lá cờ giải phóng được ông Denver chụp lại gửi cho Thượng tá Tiến
Cuốn sổ nhật ký của liệt sỹ Lê Văn Tánh và lá cờ giải phóng được ông Denver chụp lại gửi cho Thượng tá Tiến

Kỷ vật trở về từ bên kia địa cầu

Những ngày tháng sau đó, Denver tìm nhiều cách để trả lại kỷ vật của liệt sỹ Lê Văn Tánh. Tuy nhiên, mọi việc quả không dễ dàng chút nào khi 2 người không cùng một chiến tuyến. Chiếc túi của liệt sỹ Tánh và lá cờ giải phóng Denver dùng để băng bó vết thương cho anh Tánh được ông cất giữ cẩn thận sau khi trở về nước. Sở dĩ Denver trở về nước sớm như vậy là do ông đã trót… yêu một nữ giải phóng quân Việt Nam khi cô bị đơn vị ông bắt làm tù binh ở Cần Thơ.

Câu chuyện tình yêu đơn phương này cũng được Denver kể lại với Thượng tá Tiến khi ông sang Việt Nam. Ông nói rằng, đó là cô gái rất trẻ, đẹp và rất quả cảm có tên là Minh. Ông đã bị “tiếng sét ái tình” ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy trong nhà giam. Cũng vì yêu mà Denver đã tìm mọi cách để giúp nữ tù binh người Việt thoát khỏi sự tra tấn. Sau khi sự việc bị bại lộ, Denver bị kỷ luật đưa về nước. Trước khi về, Denver bị buộc phải chứng kiến cái chết của người yêu. Chứng kiến sự ra đi của người con gái mình yêu, càng khiến Denver đau đớn và day dứt về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trải qua gần 50 năm, Denver vẫn mang trong mình tình cảm đặc biệt thiêng liêng với người nữ giải phóng quân Việt Nam. Ông đã nhiều lần cất công đi tìm người thân của cô gái này khi sang Việt Nam nhưng không thành công.

Trở lại với kỷ vật của liệt sỹ Lê Văn Tánh, sau nhiều năm cất giữ cẩn thận, Denver đã mở chiếc túi và phát hiện trong túi có một tờ giấy chứng nhận cùng một quyển sổ ghi chép. Trong một lần đến thăm nhà Denver, nhà văn Lady Borton - một nhà văn rất thông thạo tiếng Việt đã vô tình đọc được cuốn sổ của liệt sỹ Tánh. Thì ra đó là một cuốn nhật ký. Sau lần đó, nhà văn Lady Borton đã cùng với một số tổ chức, cá nhân khác vào cuộc giúp Denver đi tìm thông tin về chủ nhân di vật này. Với sự nỗ lực của các cộng sự, một ngày cuối năm 2015, kỷ vật của liệt sỹ Lê Văn Tánh đã được trả lại cho gia đình ở Cao Lãnh, Đồng Tháp sau 47 năm tìm kiếm.

Kỷ vật của liệt sỹ Tánh được trả lại cho gia đình nhưng lá cờ giải phóng nhuốm máu thì Denver giữ lại với mong muốn tìm một nơi phù hợp để lưu giữ nó. Và Thượng tá Tiến là người đã nhận lời giúp Denver trong trường hợp này. Những ngày cuối cùng của năm cũ 2016, lá cờ giải phóng được trao lại cho lãnh đạo Bảo tàng Quân khu 4. Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: “Sau gần 50 năm lưu lạc ở nước Mỹ, lá cờ là minh chứng ghi dấu câu chuyện tình người hết sức nhân văn trên chiến trường khốc liệt. Lá cờ sẽ được đưa vào hệ thống trưng bày các hiện vật cựu binh Mỹ trao trả lại cho Việt Nam để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống”.

.

Huyền Thương

.