(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, tệ nạn xã hội và các thói hư tật xấu vẫn đang tồn tại khiến con đường dẫn đến HIV trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Để giảm thiểu số người nhiễm HIV cũng như tăng cường các biện pháp phòng, chống có hiệu quả, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Việc xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV lâu nay cũng được xem là một trong những biện pháp tốt nhất để hướng đến một xã hội phát triển văn minh, bền vững.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến ngày 30/10/2016, trên địa bàn 438/480 phường, xã, thị trấn thuộc 21 huyện, thị, thành đã có 8.597 người nhiễm HIV. Thời điểm này năm 2015, số người nhiễm HIV/AIDS chỉ có gần 8.000 người ở 417/480 phường, xã và thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tổng số người nhiễm HIV thì có 6.076 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 3.770 người chết do AIDS. Đó mới chỉ là những con số thống kê được qua hồ sơ quản lý người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng. Trên thực tế, hiện nay số lượng người nhiễm HIV có thể chưa dừng lại ở đó mà còn cao hơn nữa.
Các lực lượng tham gia diễu hành tuyên truyền Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Đức Thắng |
Mặc cảm, tự ti về bản thân, không dám đối mặt với bệnh là tâm lý còn tồn tại ở một bộ phận người nhiễm HIV. Chỉ đến khi, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, lúc đó người thân, các tổ chức xã hội mới phát hiện ra thì đã quá muộn. Ngoài ra, trong biểu đồ thống kê theo dõi, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, số lượng lớn tập trung ở TP Vinh và các huyện vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn…
Đáng chú ý là tháp đồ số người nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hóa. Điều này có nghĩa là số thanh, thiếu niên nhiễm HIV đang chiếm phần lớn số lượng hiện nay. Lý giải về việc này, một số cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do thói đua đòi nghiện ngập, chích hút ma túy của giới trẻ hiện nay đang ở con số báo động. Bởi qua thống kê, tại những địa phương, vùng miền nào có tệ nạn xã hội gia tăng thì ở đó tỉ lệ nhiễm HIV càng cao. Một nguyên nhân nữa là cách tuyên truyền, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nhận thức chưa cao, cách tuyên truyền chưa hiệu quả cũng là con đường ngắn nhất có thể dẫn tới HIV/AIDS.
Người dân xã biên giới Hạnh Dịch, huyện Quế Phong hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS |
Với chủ đề 90-90-90 trong kế hoạch hoạt động thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, thời gian qua, cùng với cả nước, Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa. Đặc biệt, với mục tiêu 90-90-90, có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp nhất. Đây cũng là mục tiêu mà Liên Hiệp quốc đã đưa ra để vào năm 2020 phải đạt được. Mặt khác, tỉnh ta cũng đề ra mục tiêu hướng tới đến năm 2017 sẽ thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu trên, hàng loạt các chương trình hành động đã được triển khai trên địa bàn trong thời gian qua, như thành lập, duy trì các CLB, nhóm tự lực cùng chung tay giúp người nhiễm HIV vượt lên số phận, sống tốt với gia đình và xã hội. Các tổ nhóm “Bạn giúp bạn”, “Tự lực sông Lam xanh”, “Lá chắn”… là nơi để những người có “H” có thể sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng. Qua đây cũng trang bị kiến thức, nâng cao khả năng điều trị bằng thuốc ARV cho người bệnh, giúp họ kiểm soát được sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho những người xung quanh về các biện pháp phòng tránh không bị lây nhiễm HIV cũng được triển khai đồng bộ.
Anh H.V.H. trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, người bị nhiễm HIV gần 10 năm nay chia sẻ: “Bản thân tôi ngày trước do thiếu hiểu biết, bồng bột nên đua đòi theo đám bạn bè chích hút ma túy. Khi biết mình dương tính với HIV thì tất cả dường như đã chấm hết. Tuy nhiên, được sự động viên của người thân, gia đình và cộng đồng, tôi kiên trì uống thuốc ARV đều đặn theo hướng dẫn của trung tâm y tế nên bây giờ mới được như vậy. Là người không may mắn bị nhiễm HIV, bây giờ tôi chỉ biết khuyên mọi người hãy tạo cho mình lối sống lành mạnh cũng chính là bảo vệ gia đình và xã hội”.
Ngoài việc duy trì đều đặn sức khỏe của mình bằng thuốc ARV thì trong những năm qua, anh H. còn là thành viên tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều người bị nhiễm HIV đã được anh H. kịp thời động viên, hướng dẫn họ lối sống lành mạnh, tích cực hơn trong cộng đồng xã hội. Giúp họ hòa nhập, xóa bỏ mặc cảm bản thân chính là liều thuốc tinh thần quan trọng để người nhiễm HIV có thể duy trì sức khỏe lâu dài cho bản thân và xã hội.
Như vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động cả cộng đồng xã hội cùng chung tay phòng, chống HIV/AIDS một cách tốt nhất thì hành động của chúng ta cũng góp phần rất quan trọng làm giảm sự lây lan của đại dịch này. Xóa bỏ kỳ thị, cùng chung tay giúp đỡ người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội về việc làm, giao lưu với xã hội là giải pháp tốt nhất để hạn chế lây lan bệnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc để đạt được 3 mục tiêu mà tỉnh Nghệ An đưa ra hướng tới đến năm 2017 sẽ thực hiện các nội dung 90-90-90 trong kế hoạch hoạt động thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”.