(Congannghean.vn)-Tính đến nay, đã 6 năm từ khi Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) ở Nghệ An đi vào thực tế. Mặc dù đã triển khai nhiều nội dung, kế hoạch nhưng những kết quả đạt được trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Phát triển nghề CTXH đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các cấp, ngành và chính quyền địa phương.
Năm 2012, trên cơ sở Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 448 của UBND tỉnh Nghệ An, ngày 25/4/2012, Trung tâm CTXH tỉnh được thành lập. Sau một thời gian đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận, chăm sóc nhiều trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật; chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi. Sau 4 năm thực hiện Quyết định 32 của Chính phủ, Trung tâm đã chăm sóc 63 cháu và 3 người cao tuổi không nơi nương tựa.
Lãnh đạo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh trao quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn |
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện Nghệ An có trên 134.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó có khoảng gần 70.000 người cao tuổi, trên 50.000 người khuyết tật, còn lại là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người bị mắc bệnh tâm thần, người lang thang… Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 8 cơ sở bảo trợ xã hội (5 cơ sở công lập và 3 cơ sở ngoài công lập) đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 580 đối tượng.
Điều đó cho thấy, số đối tượng bảo trợ xã hội đang sống tại cộng đồng, xã hội rất nhiều, đòi hỏi sự đóng góp rất lớn của những người làm CTXH. Tuy vậy, trên thực tế, đội ngũ cán bộ làm nghề CTXH còn mỏng, thiếu chuyên nghiệp, phần lớn đều đang kiêm nhiệm chức danh khác ở địa phương (chủ yếu là cán bộ chính sách xã, phường).
Ông Hoàng Ngọc Châu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đối tượng được chăm sóc, phục vụ đều là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, cần được bảo vệ, che chở… Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm, có đạo đức nghề nghiệp”.
Hiện nay, việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH mới dừng lại ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm đào tạo ít; chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy CTXH còn thiếu, nhiều bất cập. Không chỉ tại Nghệ An mà trên cả nước, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh, đang trong quá trình được các cơ quan chức năng hoàn thiện nên những quy định về vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH... chưa được xác định cụ thể trong các bộ luật.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH chủ yếu là kiêm nhiệm, còn quá mỏng và chưa chuyên nghiệp. Các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý Nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp đỡ họ tự giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh.
Tại Nghệ An, trung bình mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho khoảng 150 lượt cán bộ.
Theo ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh. Thực tế cho thấy, đa phần nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên này phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội hựu chiến binh, cán bộ phường, xã, hoặc những người dân tự nguyện them gia. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư chưa cao, thiếu tính bền vững.