Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201609/lua-chon-du-an-dau-tu-nuoc-ngoai-chon-loc-de-phat-trien-ben-vung-701416/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201609/lua-chon-du-an-dau-tu-nuoc-ngoai-chon-loc-de-phat-trien-ben-vung-701416/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chọn lọc để phát triển bền vững - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 29/09/2016, 09:06 [GMT+7]
Lựa chọn dự án đầu tư nước ngoài

Chọn lọc để phát triển bền vững

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư nước ngoài, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và đã phát huy hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng bộc lộ mặt trái và tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Vì thế, việc chọn lọc dự án là vấn đề đang được đặt ra hết sức cấp thiết.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Dự án VSIP
Lãnh đạo tỉnh tham quan Dự án VSIP

Vừa qua, câu chuyện về Dự án FDI Formosa Hà Tĩnh xả thải gây nên thảm họa môi trường biển ở các tỉnh miền Trung khiến cá chết hàng loạt dẫn tới tình trạng hàng vạn ngư dân đứng trước nguy cơ phải “bỏ biển”, kinh tế địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng... đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác lựa chọn và quản lý các dự án FDI.

Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa ghi nhận vụ việc lớn nào liên quan đến sự cố môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài gây ra. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, có những dự án đầu tư không những không phát huy được hiệu quả mà còn gây nên những hệ lụy không hề nhỏ đối với đời sống của người dân. Điển hình là những dự án tận thu tài nguyên thiên nhiên hay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: Thép, nhuộm, thuộc da, chế biến mủ cao su…

Thời gian qua, nhiều địa phương “trọng điểm” về thu hút đầu tư của cả nước như TP Hồ Chí Minh có sự sụt giảm về thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, đây được đánh giá là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu bước chuyển theo hướng “nâng chất vốn ngoại” trong thu hút đầu tư, không “nặng” vào số lượng mà chuyển sang chất lượng.

Việc “thiết lập barie” đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao song song với việc kêu gọi, ưu tiên các dự án xanh, sử dụng công nghệ cao đã được nhiều địa phương chú trọng thực hiện.

Đơn cử như việc Công ty TNHH dệt J.M ở KCN Long Thành (Đồng Nai) đề nghị mở rộng sản xuất nhưng tỉnh Đồng Nai không đồng ý. Bởi sau khi xem xét nhiều khía cạnh, xét thấy đây là ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải tại KCN Long Thành thời điểm đó đã hoạt động gần hết công suất, trong khi nước thải từ dệt nhuộm rất lớn và việc xử lý đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường không đơn giản.

Trước những bài học nhãn tiền trên, với những dự án lớn, tỉnh ta cũng đặc biệt chú trọng tới các yếu tố môi trường trong quá trình triển khai và việc thực hiện cam kết của chủ đầu tư liên quan đến vấn đề môi trường.

Đơn cử như Dự án VSIP - điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua. Sáng 2/8 vừa qua, Công ty TNHH VSIP Nghệ An đã tổ chức lễ khởi công giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải. Đây là một phần quan trọng trong lộ trình thực hiện cam kết của VSIP nhằm đem lại một Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ thân thiện với môi trường, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 8/2017, đáp ứng đầy đủ yêu cầu xử lý nước thải cho giai đoạn phát triển ban đầu của VSIP Nghệ An.

Dự kiến khi hoàn chỉnh, tổng công suất thiết kế của Nhà máy xử lý nước thải tại VSIP Nghệ An sẽ đạt 28.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho 28.000 người hoặc toàn bộ 750 ha của dự án.

Còn với những dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nhưng mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, lãnh đạo tỉnh chú trọng tới việc xây dựng những cơ chế cần thiết trong việc yêu cầu các chủ dự án phải cam kết và đảm bảo xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn; song song với việc quy hoạch các dự án đó nằm xa khu dân cư, nguồn nước.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, các cấp, ngành liên quan cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình xử lý nước thải và việc thực hiện các cam kết về môi trường của dự án.

Thực tế cho thấy, giai đoạn “khát” về vốn đầu tư đã đi qua. Trong bối cảnh hiện nay, với tư cách là một đối tác bình đẳng, nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng có quyền lựa chọn những dự án đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất dựa trên định hướng phát triển của địa phương. Việc quan tâm xây dựng môi trường phát triển sạch không chỉ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào Nghệ An mà còn là tiền đề quan trọng để xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững.

.

Hồng Hạnh

.