Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các cấp chính quyền cùng với hệ thống tổ chức công đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ, cùng chăm lo, cải thiện tốt hơn nữa đời sống của người lao động.
Sáng nay (9/7), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) theo Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐVN.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai tích cực các nội dung phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động |
Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường.
Tổng LĐLĐVN, cơ quan đại diện cho giai cấp công nhân, là tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc, qua đó, lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động - lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Đời sống công nhân còn khó khăn
Đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp đạt những kết quả quan trọng, ông Bùi Văn Cường cho biết, tình hình việc làm, thu nhập của người lao động đã có bước cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động; số lượng DN gặp khó khăn phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao; tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT hầu như không giảm; đa số công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) vẫn phải sống trong các khu nhà trọ với điều kiện sinh hoạt, an ninh trật tự, nhà trẻ, mẫu giáo chưa được quan tâm đúng mức…
“Một bộ phận cán bộ, đoàn viên, người lao động lo lắng về tình hình an toàn vệ sinh lao động, cháy nổ, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, hàng giả, dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều nơi…”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN nói.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng trình bày những kiến nghị của người lao động và các cấp công đoàn trong cả nước với Thủ tướng Chính phủ như xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động; có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin để công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị Chính phủ có quy định ưu tiên cho người lao động tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại công ty đó; hỗ trợ Tổng LĐLĐVN triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các KCN, KCX…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trước cuộc làm việc này, được sự chỉ đạo của Thủ tướng, ông đã đi khảo sát đời sống công nhân tại một số KCN ở các địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, ở không ít DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nhân phản ánh không thấy rõ sự hiện diện hằng ngày của công đoàn bên cạnh họ. Với việc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn (trước đó là tổ chức Bảo hiểm xã hội) thì vai trò của công đoàn đã khác trước. Phó Thủ tướng cho rằng, phải củng cố kiện toàn bộ máy theo dõi tình hình DN đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nhận định nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi tham gia TPP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề tổ chức công đoàn phải đổi mới bộ máy tổ chức, hiệu quả hoạt động để có thể “gắn bó máu thịt với công nhân”.
“Phải giải quyết hài hòa bài toán giữa tiền lương tối thiểu và năng suất lao động, đây là căn nguyên cho sự phát triển”, Phó Thủ tướng nói.
Trên góc độ đối ngoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, còn có “khoảng trống” trong hoạt động công đoàn, đó là việc bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam ở nước ngoài hiện nay chủ yếu vẫn do các cơ quan của Chính phủ như Bộ LĐTB&XH, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán thực hiện trong trường hợp người lao động gặp vấn đề nào đó.
Phó Thủ tướng mong muốn Tổng LĐLĐVN phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, chỉnh sửa các chính sách, thể chế phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Chia sẻ nỗi lo với công nhân
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đã thực hiện khá tốt Quy chế phối hợp trong năm qua. Qua đó, đã khuyến khích và đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc cho công nhân, góp phần vào việc giữ vững ổn định, trật tự xã hội.
“Tôi lấy ví dụ như Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, sau khi nghe tổ chức công đoàn phản ánh, Chính phủ đã thảo luận, có nghị quyết và báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh”, Thủ tướng nói. Chính sách của chúng ta phải đi từ thực tiễn cuộc sống để phục vụ người dân, nên việc lắng nghe ý kiến công đoàn, công nhân rất quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Quang cảnh buổi làm việc |
Từ đó, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai tích cực các nội dung phối hợp giữa hai bên, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bày tỏ sự băn khoăn về việc một số thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân ở nhiều KCN, KCX, KKT còn thiếu, Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng công nhân không có chỗ sinh hoạt tối thiểu về tinh thần đang diễn ra ở nhiều nơi hay như tình trạng nợ BHXH, BHYT còn rất lớn.
“Lương công nhân đã thấp rồi còn phải lo tiền gửi con vào nhà trẻ, tiền thuê nhà. Đến 5-6h tối tan ca, đi chợ thì không còn gì để mua, lại lo vấn đề an toàn thực phẩm”, Thủ tướng chia sẻ nỗi lo với công nhân và yêu cầu tổ chức công đoàn cũng như chính quyền các cấp phải thấy mặt tồn tại này, coi đây là vấn đề cấp bách phải giải quyết thời gian tới.
Nhiều kiến nghị được Thủ tướng yêu cầu triển khai
Trên tinh thần đó, tại cuộc làm việc, Thủ tướng đồng ý ngay với kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các KCN, KCX (nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…).
Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao ở 15 địa phương trọng điểm; giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ về thuế; huy động kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho công nhân, trước hết, triển khai tại các KCN, KCX tập trung đông công nhân ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TPHCM...
Thủ tướng nhất trí với đề xuất để Tổng LĐLĐVN chủ trì, hoàn thiện đề án, báo cáo Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Bộ LĐTB&XH trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu để Chính phủ trình Quốc hội đề nghị sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp gần nhất.
Đối với việc xác định lộ trình tiền lương tối thiểu, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động thì việc điều chỉnh tiền lương hằng năm phụ thuộc vào GDP, CPI và tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, hiện nay việc xác định lộ trình tiền lương tối thiểu vẫn đang tích cực nghiên cứu triển khai.
Về một số kiến nghị khác, Thủ tướng đồng ý Tổng LĐLĐVN và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ.
Thủ tướng cũng mong muốn Tổng LĐLĐVN chủ động, tích cực hơn trong việc nghiên cứu, tổng hợp điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người lao động và thông báo, đề xuất kịp thời để Chính phủ có biện pháp xử lý, giải quyết.
Thủ tướng cũng lưu ý các tổ chức công đoàn quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân để có năng suất lao động tốt hơn, từ đó có thu nhập cao hơn; công đoàn các cấp cũng cần không ngừng đổi mới phương thức quản lý, điều hành, nghiệp vụ công đoàn, vươn lên xứng tầm yêu cầu mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Tổ chức công đoàn tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và động viên công nhân, viên chức, người lao động thi đua lao động, sản xuất, tạo ra một khí thế lao động mới, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng mong muốn.