Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201607/nguy-co-lay-nhiem-cheo-tai-benh-vien-686891/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201607/nguy-co-lay-nhiem-cheo-tai-benh-vien-686891/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 07/07/2016, 08:41 [GMT+7]

Nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện

(Congannghean.vn)-Với mục đích phát hiện sớm, điều trị kịp thời, nhanh chóng cho bệnh nhân, nhiều gia đình đã lựa chọn các bệnh viện tuyến trên để được thăm khám một cách tốt nhất. Tuy nhiên, chính mong muốn “vượt tuyến” từ phía người bệnh đã gia tăng gánh nặng, khiến các bệnh viện tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải. Đây cũng là mầm mống dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo tại bệnh viện phát sinh và diễn biến phức tạp.

Đã mấy ngày nay, cháu Hoàng Văn Chương (4 tuổi) trú tại huyện Diễn Châu, con trai chị Nguyễn Thị Nhung bị sốt nhẹ, ho. Chị thường xuyên theo dõi nhiệt độ của con và cho uống các loại thuốc hạ sốt thông thường. Sau 2 ngày không đỡ, chị quyết định đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu để thăm khám.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Hoàn kiểm tra việc thực hiện vệ sinh tay tại các khoa.
Bác sĩ Nguyễn Sỹ Hoàn kiểm tra việc thực hiện vệ sinh tay tại các khoa.

Chị Nhung cho biết: “Mọi người bảo tôi đưa con đến Bệnh viện Sản - Nhi khám cho yên tâm, nhưng tôi nghĩ, với các triệu chứng thông thường như vậy, có thể cho cháu điều trị tại Bệnh viện huyện. Vào bệnh viện tuyến trên vừa xa xôi, tốn kém, lại dễ gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ và sự lựa chọn như chị Nhung. Hiện nay, điều kiện kinh tế các gia đình được cải thiện, ít con, cùng với mong muốn bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh, nhiều gia đình đã lựa chọn các bệnh viện tuyến trên để được thăm khám. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các bệnh viện tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải và gia tăng tình trạng lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm.

Theo tiêu chuẩn thiết kế, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An có công suất 600 giường bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, trung bình, Bệnh viện phải điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân, vượt gần gấp đôi quy định. Điều này dẫn đến sẽ có rất nhiều trẻ phải nằm chung giường để điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm diễn biến rộng và dễ biến chứng là do các bệnh nhân lúc đầu chỉ bị các bệnh thông thường như viêm hô hấp, tiêu chảy, sốt nhưng sau khi vào viện, nhất là khi có dịch bệnh gia tăng lại bị lây nhiễm. Bởi khi nhập viện, cơ thể các bé bị yếu hơn, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập.

“Nhiễm chéo” được hiểu là sự chuyển động vật lý hoặc sự di chuyển của các vi khuẩn có hại từ một người, một đối tượng, một nơi ô nhiễm đến một người, một đối tượng, một nơi sạch sẽ. Trung bình, cứ 100 người vào viện thì có 6 người có khả năng lây nhiễm chéo các bệnh khác.

Hiện nay, Nghệ An đã bước vào thời điểm nắng nóng, một số dịch bệnh có điều kiện bùng phát và gia tăng như: Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt…

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Hoàn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Bệnh viện Sản - Nhi nói riêng và hệ thống các bệnh viện trên toàn tỉnh nói chung đều đang nỗ lực triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại bệnh viện. Trước hết là xây dựng Hội đồng kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thực hiện giám sát công tác vệ sinh chung, vệ sinh tay chân miệng.

Thông thường, xảy ra lây nhiễm chéo tại bệnh viện với 3 trường hợp chính: Lây từ bệnh nhân sang bệnh nhân, từ bác sĩ sang bệnh nhân và từ người nhà sang bệnh nhân. Riêng tại một số khoa có tính chất đặc biệt như Hồi sức sơ sinh, Truyền nhiễm, ngoài việc phun diệt khuẩn theo quy định, Bệnh viện còn thành lập các tổ giám sát riêng; xây dựng các khu vực, phòng cách ly phù hợp để nâng cao tính dự phòng. Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp phòng tránh thông thường, bởi với tình trạng quá tải như hiện nay, rất khó để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo. Theo quan điểm của tôi, những bệnh lý thông thường, ít nghiêm trọng, các bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có khả năng chữa trị thành công…

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, trong những thời điểm dịch bệnh đang có chiều hướng bùng phát và diễn biến phức tạp, khi đưa con đi khám, để tránh tình trạng lây nhiễm chéo từ nguồn bệnh khác trong bệnh viện, người đi khám và bệnh nhân nhi nên đeo khẩu trang y tế, tránh xa nơi tập trung đông người.

Nếu trong trường hợp phải xếp hàng lấy số khám bệnh thì để một người lớn ở lại xếp hàng, còn người khác nên đưa trẻ đến chỗ thoáng mát nơi có ít người tập trung; đồng thời, người nhà bệnh nhân nên đưa trẻ khám tại các tuyến cơ sở để được kịp thời theo dõi, chẩn đoán, điều trị một cách tốt nhất.

.

Mai Hậu

.