(Congannghean.vn)-Có nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận người trẻ đang trong độ tuổi xuân sắc của cuộc đời phải tìm đến các liệu pháp điều trị chứng bệnh trầm cảm. Áp lực cuộc sống, mâu thuẫn gia đình, vợ chồng khó hòa giải và đơn giản là vì không thể giãi bày tâm tư, tình cảm cùng ai…khiến họ phải tốn không ít thời gian, tiền bạc, sức lực để “chiến đấu” với căn bệnh trầm kha này.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng thăm khám cho một bệnh nhân trầm cảm |
Nhìn qua, không ai nghĩ Th. (22 tuổi) đã bị căn bệnh trầm cảm hành hạ trong suốt 3 năm qua. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Th. được “trời phú” ngoại hình ưa nhìn: Dáng cao, nước da trắng ngần, đôi mắt sáng, phong thái nhanh nhẹn. Học xong lớp 9, Th. phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Ở nhà một thời gian, bố mẹ muốn Th. tìm học nghề để cuộc sống sau này đỡ vất vả, lúc rảnh thì phụ giúp gia đình việc đồng áng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn nghỉ học, gia đình phát hiện Th. có những biểu hiện lạ.
Mặc cho mọi người hỏi han, động viên nhưng cả ngày, Th. chỉ nằm trên giường. Mọi công việc, từ đồng áng đến dọn dẹp nhà cửa, Th. cũng chẳng “động tay”. Em còn nói với bố mẹ về việc thường xuyên bị đau đầu. Tưởng con chỉ bị bệnh thông thường, bố mẹ Th. ra hiệu thuốc hỏi mua một số loại giảm đau nhẹ. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, căn bệnh đau đầu lại tiếp tục hành hạ Th..
Càng ngày, Th. càng ít nói, có khi cả ngày không nói với ai câu nào. Sau một thời gian, khi thấy bệnh tình của con có phần nghiêm trọng, gia đình mới đưa Th. đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thăm khám. Tuy nhiên, đã qua 3 năm điều trị nhưng căn bệnh trầm cảm vẫn chưa chịu “buông tha” Th..
Theo số liệu của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 121 trường hợp bệnh nhân trầm cảm được điều trị tại đây dưới 2 hình thức: Điều trị tại bệnh viện và điều trị tại nhà. Trong số đó, đa phần là những người trong độ tuổi từ 26 - 38. Căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa.
Thông thường, giai đoạn đầu, ở bệnh nhân chỉ xuất hiện những dấu hiệu như ít ngủ, mệt mỏi, buồn chán, không muốn tiếp xúc với ai. Sau đó, những biểu hiện này ngày càng bộc lộ rõ rệt và thường xuyên, liên tục, với mức độ nặng hơn.
Có những trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần kèm theo các biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, luôn nghĩ mình là người vô dụng, sống có có lỗi với gia đình, người thân.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần Nghệ An: Khi bệnh nhân được chẩn đoán bị trầm cảm, các bác sĩ sẽ dùng hóa dược, thuốc chống trầm cảm hoặc có thể dùng thuốc chống loạn thần; đồng thời sử dụng phương pháp tâm lý liệu pháp (liệu pháp hành vi nhận thức và phục hồi chức năng bằng tập vận động) để bệnh nhân linh hoạt, nhanh nhẹn hơn.
Trong mọi phương pháp, bác sĩ mong muốn gia đình, người thân luôn bên cạnh, động viên bệnh nhân, kịp thời chia sẻ tâm tư, tình cảm thầm kín. Bác sĩ Châu cũng thường xuyên nhắc nhở người nhà bởi xuất phát từ tâm lý mong con mau khỏi bệnh nên vô tình gây áp lực, khiến bệnh ngày càng khó thuyên giảm.
“Có một thực tế đang tồn tại hiện nay là gia đình chỉ đưa bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần khi bệnh trầm cảm đã rất nghiêm trọng. Tâm lý ngại ngần và sự hiểu biết hạn chế khiến việc phát hiện sớm và điều trị gặp những khó khăn nhất định. Với những biểu hiện đơn giản, thông thường như mất ngủ, đau đầu, sút cân…, bệnh nhân thường đến các chuyên khoa khác để điều trị mà không biết rằng, đó là những dấu hiệu ban đầu của bệnh trầm cảm”, bác sĩ Ngân Thị Xuyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết.
Nhịp sống hiện đại khiến cho mối quan hệ giữa mọi người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình thiếu sự khăng khít; những tâm tư, tình cảm cũng vì thế mà khó chia sẻ hơn. Đó là chưa kể đến áp lực cuộc sống, kỳ vọng của người thân, bố mẹ cũng tạo ra những tâm lý tiêu cực đến những người trẻ; đặc biệt là khi các bạn trẻ trải qua những giai đoạn nhạy cảm về tâm sinh lý như thi cử, tìm việc làm sau tốt nghiệp đại học, phụ nữ sau khi sinh nở…
Sống chậm lại, kịp thời giải tỏa, chia sẻ những khúc mắc trong tâm sinh lý là lời khuyên hữu ích của các bác sĩ để tránh trở thành nạn nhân của căn bệnh trầm cảm. Khi không may mắc phải căn bệnh đó, sự quan tâm, sẻ chia của những người thân sẽ là phương thuốc hữu hiệu để bệnh nhân từng bước tìm lại sự cân bằng trong tâm sinh lý cho bản thân.
Hiện nay, tỉ lệ người dân mắc bệnh trầm cảm ngày càng cao, chiếm khoảng 4 - 6% dân số thế giới. Các giai đoạn trầm cảm thường gây ra nhiều tổn hại cho cá nhân, gia đình và xã hội; là nguyên nhân dẫn đến việc 2/3 trường hợp tử vong do tự sát. Trầm cảm còn là nguyên nhân của các tai nạn tại nhà và nơi làm việc; dẫn đến hiệu suất lao động thấp, dẫn đến sự tan vỡ gia đình và tăng các chi phí bảo hiểm. Khu vực thành thị nhìn chung có tỉ lệ trầm cảm cao hơn nông thôn. Trầm cảm thường xảy ra ở lứa tuổi đã trưởng thành, nếu được điều trị có thể phục hồi hoàn toàn và ổn định, nếu không được điều trị có thể trở thành căn bệnh mãn tính. |