(Congannghean.vn)-Chỉ trong thời gian ngắn, người tiêu dùng liên tiếp nhận được những luồng thông tin khác nhau về nguồn gốc các loại thực phẩm thường dùng hàng ngày, từ gạo giả, rồi lươn nuôi bằng thuốc tránh thai... Đã có nhiều ý kiến từ các mạng xã hội, truyền thông, rồi cả khẳng định, đánh giá của các chuyên gia khoa học, tuy nhiên, người dân vẫn không khỏi hoang mang, lo lắng trong việc chọn lựa, sử dụng thực phẩm. Trong khi đó, sự ngưng trệ của thị trường trong khoảng thời gian ngắn đã ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ những người sản xuất, buôn bán chân chính.
Thông tin lươn được nuôi bằng thuốc tránh thai bắt đầu lan truyền trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng khi có một chia sẻ trên mạng xã hội khẳng định, nhiều hộ dân tại Nghệ An đã kiếm lợi khi “vỗ béo” cho lươn bằng thuốc tránh thai. Ngay lập tức, người tiêu dùng thể hiện tâm lý lo lắng, hoang mang vì lươn là nguồn thực phẩm phổ biến, cung cấp nhiều chất bổ dưỡng cho các em nhỏ.
Sau khi xuất hiện thông tin trên, để ổn định thị trường, nhiều phóng viên đã trực tiếp trao đổi với những người có kinh nghiệm, uy tín về khoa học, am hiểu về nuôi trồng thủy sản. Lãnh đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An đã cử cán bộ xuống kiểm tra tại cơ sở và khẳng định không có chuyện người nông dân nuôi lươn bằng thuốc tránh thai. Rồi cán bộ nông nghiệp tỉnh đưa ra những bằng chứng về việc kiểm chứng độ xác thực của thông tin trên.
Dù đã đưa ra các ý kiến, đánh giá khoa học từ nhiều góc độ, tuy nhiên, cho đến nay, theo khảo sát của phóng viên, thị trường và sức mua của người dân vẫn chưa có sự chuyển dịch ổn định trở lại, trong khi đó, những người nuôi lươn chân chính tại các làng quê vẫn “đứng ngồi không yên”. Cũng vì thông tin trên, đặc sản lươn xứ Nghệ cũng đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều tiểu thương buôn bán lươn tại các chợ điêu đứng vì thông tin nuôi lươn bằng thuốc tránh thai |
Không chỉ lươn mà gạo, mặt hàng chủ lực của nông nghiệp Nghệ An nói riêng và toàn quốc nói chung cũng đã có khoảng thời gian lao đao vì tin đồn “gạo giả Trung Quốc”. Chuyện cũng bắt đầu từ một phóng sự truyền hình về việc người dân rang gạo lên và thấy có những biểu hiện bất thường. Theo đó, hàng loạt trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng bắt đầu vào cuộc và mổ xẻ, phân tích thực hư câu chuyện này; từ tác hại của gạo giả, cách phân biệt gạo giả, gạo thật, rồi tâm lý của người dân hay nguồn gốc gạo của các đại lý lớn trên cả nước... Câu chuyện này đến nay vẫn chưa có hồi kết, chỉ biết một điều rằng, những người nông dân một nắng hai sương, vừa phải vất vả với công việc đồng áng, vừa lo sợ nhiều thương lái lợi dụng để ép giá.
Cách đây chưa lâu, những thông tin như sữa chua có đỉa, ăn chuối bị ung thư, ăn mãng cầu chữa bệnh ung thư... đã khiến cuộc sống của không ít người dân bị đảo lộn, tâm lý bị ảnh hưởng. Thông thường những tin đồn vô căn cứ thường nhằm vào những lĩnh vực và mặt hàng “nhạy cảm” và ở những thời điểm “nhạy cảm”.
Dư luận chưa quên câu chuyện của năm 2008 về tin đồn Việt Nam sắp hết gạo ăn. Giống như một cơn bão, tin đồn khan hiếm gạo lan khắp các tỉnh, thành phố từ Nam ra Bắc khiến không ít người đã đổ xô đi mua gạo tích trữ. Thị trường lúc bấy giờ bỗng chốc hỗn loạn, giá gạo tăng cao. Cơn sốt giả tạo ấy đã giúp không ít người kinh doanh gạo kiếm bộn tiền chỉ trong vài ngày. Chỉ khi xuất hiện những phản ứng kịp thời của cơ quan quản lý trên phương tiện thông tin đại chúng về sản lượng lúa nước ta, rồi dự trữ gạo của cả doanh nghiệp và người dân, cùng với đó là việc mở thêm hàng loạt các điểm bán lẻ ở những “điểm nóng”, tin đồn trên mới bị đẩy lùi.
Có thể thấy, tin đồn là một hiện tượng thường gặp trong đời sống xã hội ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ giai đoạn nào. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, mặc dù công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ nhưng tin đồn vẫn tồn tại, phát triển và có tác động nhất định đến đời sống, nhận thức xã hội.
Thậm chí, qua những chia sẻ trên mạng xã hội, những thông tin đó càng có “đất sống” và phát triển. Do mức độ thu nhận thông tin và cách nhìn nhận vấn đề của các cá nhân khác nhau nên thông tin thường bị biến dạng, méo mó. Theo PGS.TS Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh: Những tin đồn vô căn cứ tạo ra tâm lý đám đông tẩy chay sản phẩm trên thị trường. Người tiêu dùng trước sự ngờ vực sẽ hạn chế mua sản phẩm, nên hàng hóa tồn đọng, gây khó khăn cho người sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Thậm chí, sẽ dẫn đến tâm lý nghi ngờ với tất cả các sản phẩm trên thị trường.
Tin đồn thất thiệt còn có thể phá hoại sự ổn định kinh tế - xã hội của một vùng miền. Điển hình như sản phẩm lươn đồng Nghệ An, rất khó khăn mới xây dựng được thương hiệu của mình, nhưng chỉ cần một số tin đồn vô căn cứ, thương hiệu này đã bị đe dọa nghiêm trọng.
Xét trên nhiều khía cạnh, hiện đã và đang tồn tại những lỗ hổng và bất cập trong quản lý khiến cho tin đồn vô căn cứ có điều kiện để lan truyền rộng rãi. Trong khi đó vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý những kẻ tung tin thất thiệt. Vì thế, người dân rất cần được thường xuyên tiếp nhận thông tin đầy đủ từ các cơ quan chức năng. Chỉ khi có ý kiến chính thức, minh bạch của các chuyên gia thì tâm lý người dân mới ổn định. Lúc đó, tin đồn thất thiệt sẽ khó có “đất sống”.
|