Kể từ đầu năm 2014 đến nay, không chỉ trên báo chí trong nước mà trên internet, hàng loạt những tin bài mà trong đó đa phần là những lời kêu ca phàn nàn về tình trạng thiếu các loại văc xin tiêm ngừa cho trẻ em tại các điểm tiêm vắc xin dịch vụ. Những loại vắc xin tổng hợp 5/1, 6/1 đang có độ hot chưa từng có. Dân Hà Nội, dân TP Hồ Chí Minh đã đành, dân các tỉnh, vùng sâu vùng xa cũng bồng bế con nhỏ, mai phục mấy ngày ở các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng ở thành phố chờ tiêm ngừa bằng được. Nhiều người sốt ruột quá, mua vé máy bay, đưa con cháu sang Thái Lan, sang Singapore tiêm vắc xin...
Ảnh minh họa |
Đã có rất nhiều lời kêu ca dành cho Bộ Y tế về việc để thiếu vắc xin, để cho trẻ phải chờ đợi, nhiều người đã thốt lên, chờ đợi đến phát bệnh để được tiêm ngừa bệnh. Trách nhiệm của ai và tại sao? Những câu hỏi cứ xoay vòng và quả thật cũng đã có quá nhiều câu trả lời, chỉ là không đâu vào đâu. Trong khi các đại diện của Bộ Y tế khẳng định lượng vắc xin 5/1, 6/1 có đủ phục vụ nhu cầu thì tại các điểm tiêm dịch vụ như Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hoặc Bệnh viện FV TP Hồ Chí Minh lại khẳng định ngược lại: lượng vắc xin được cung cấp không đủ để thỏa mãn nhu cầu tiêm phòng. Nhìn nhận nó như thế nào?
Vắc xin và sự khủng bố của tai biến
Mấy năm trước, không mấy ai nghĩ đến tiêm chủng dịch vụ mà hầu hết trẻ em đều được tiêm chủng miễn phí trong chương trình mục tiêu Tiêm chủng mở rộng. Chương trình này được các tổ chức quốc tế giúp đỡ cùng khoản chi đáng kể của ngân sách giúp cho trẻ tiêm chủng ngăn ngừa 11 bệnh phổ biến. Nhờ chương trình này, hàng triệu trẻ em đã được cứu sống qua các kỳ dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, từ năm 2012, một loạt các trường hợp tai biến do tiêm vắc xin miễn phí đã gây xôn xao dư luận và đỉnh điểm là trường hợp 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin do y tá tiêm nhầm thuốc đã gây ra một đợt công kích nhằm vào chương trình Tiêm chủng mở rộng trên báo chí, trong dư luận. Không chỉ soi vào quy trình tiêm chủng mà nhiều bài báo còn đặt vấn đề về chất lượng vắc xin, quy trình nhập khẩu, sản xuất, bảo quản vắc xin... Cơn bão dư luận đã tạo ra một tâm lý e ngại, không muốn cho trẻ em đi tiêm chủng miễn phí.
Và cùng với tâm lý đó, thị trường tiêm vắc xin dịch vụ, vốn đã manh nha từ trước với những loại vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng đã phát triển rầm rộ với các vắc xin có trong danh mục các vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt, các loại vắc xin tổng hợp 5/1 (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib) và 6/1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib). Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện tiêm dịch vụ bởi không chỉ do ngại mà còn do cả tốn phí (dù chỉ trên 600 ngàn một liều vắc xin). Hậu quả lớn đã xảy ra vào tháng 4/2014, khi dịch sởi hoành hành dữ dội trên nền trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi và trẻ em không tiêm phòng sởi. Hàng trăm trẻ em đã bị tử vong. Đến lúc đó, các bà các mẹ lại hốt hoảng, bằng mọi cách kéo trẻ đi tiêm, dĩ nhiên, tiện nhất là đi tiêm dịch vụ.
Trước cơn sóng hàng trăm nghìn trẻ em kéo nhau đến các cơ sở dịch vụ để tiêm vắc xin đã đẩy các cơ sở dịch vụ này đến chỗ quá tải. Quá tải về năng lực tiêm chủng, quá tải về điều kiện vật chất của cơ sở, quá tải về nhân lực và quan trọng hơn là thiếu vắc xin, dẫu là thiếu cục bộ. Lập tức tình trạng chen chúc, chờ đợi lấy số, chờ đợi tiêm vắc xin lại tràn ngập các trang báo.
Cơ chế nhập khẩu và phân phối các loại vắc xin dịch vụ
Khác với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu. Đơn vị cấp phép nhập khẩu là Bộ Y tế. Theo khẳng định và theo điều tra, Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu cho các doanh nghiệp dược rất dễ dàng. Vấn đề khó khăn ở chỗ, như trên đã nói, vắc xin là một loại sinh phẩm, nói nôm na là một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được. Nhập về mà không bán được thì chỉ còn nước đổ đi. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài, và dĩ nhiên, lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, vá chằng vá đụp, các doanh nghiệp dược cũng có thể nhập khẩu được một ít và sẽ diễn ra cảnh phân phối vắc xin.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích (Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) cho biết: “Từ quý 1/2014, trung tâm đã dự trù 30.000 – 40.000 liều vắc xin 5/1 và 6/1, nhưng những loại vắc xin này, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ có thể cung cấp từng đợt số lượng ít, tạo ra tình trạng khan hiếm tạm thời khiến cho nhiều người phải chờ đợi, kêu ca. Tuy nhiên từ cuối quý 2/2014, lượng vắc xin đăng kí đã về rất nhiều, số lượng đã lên đến gần 5000 liều đủ đáp ứng cho mọi nhu cầu”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xếp hàng để tiêm vắc xin dịch vụ cho con thường xuyên xảy ra tại các điểm tiêm chủng dịch vụ là năng lực tiêm vắc xin của các cơ sở dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến trong thời gian qua, Có thể ví dụ tại một Trung tâm y tế dự phòng quận, mỗi buổi chỉ có thể tiêm cho 50 cháu, nhưng vào lúc cao điểm có lúc trên 300 cháu đợi tiêm. Tại Viện VSDT TƯ, trước đây chỉ có 1-2 bàn tiêm vắc xin dịch vụ, sau tăng lên đến 10 bàn và cao điểm lên đến 12 bàn vẫn không phục vụ hết nhu cầu. Trong khi quy trình tiêm vắc xin sau những tai biến đã chặt chẽ hơn nhiều, các trẻ trước khi tiêm phải được khám sàng lọc, phải cân nhắc nhiều dữ liệu mới được tiêm.
Trả lời câu hỏi của báo An ninh Thủ đô, ngày 14/10, ông Trần Quốc Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, trong quý 2/2014, hàng chục vạn liều vắc xin 5/1 và 6/1 đã được cung cấp cho các cở sở tiêm vắc xin dịch vụ trong cả nước. Hiện nay tại kho của các công ty nhập khẩu còn tồn trên 140.000 liều vắc xin dịch vụ 5/1 và 6/1 chờ đợi phục vụ nhu cầu thị trường. Mặc dù nhu cầu còn lớn, nhưng hiện nay với lượng vắc xin nhập về, một tâm lý lo lắng đang có thật của các doanh nghiệp dược, đó là lỡ ra, bỗng lại có một chuyện gì xảy ra, các mẹ lại không cho con đi tiêm dịch vụ nữa thì... lỗ to.
Đừng bỏ rơi vắc xin miễn phí
Sự lên ngôi tại các thành phố, đô thị của vắc xin dịch vụ cũng làm cho hệ thống y tế có sự quan ngại. Đã có tình trạng phụ huynh từ chối không cho trẻ tiêm vắc xin miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng mà chạy theo tiêm vắc xin dịch vụ. Tại TP.HCM, lượng phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng quốc gia ở TP.HCM những ngày đầu tháng 10/2014 thấp hơn tới 3 lần so với tiêm vắc xin dịch vụ. Tại Bệnh viện Từ Dũ có 2 phòng chuyên tiêm vắc xin dịch vụ và một phòng tiêm vắc xin miễn phí. Khu vực tiêm vắc xin miễn phí vắng tanh, còn nơi tiêm vắc xin dịch vụ cho tới gần 4 giờ chiều vẫn nườm nượp phụ huynh bế con xếp hàng. Nữ cử nhân - hộ sinh Huỳnh Thị Mai Lan, Phòng khám trẻ em, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, tính trong tháng 9 vừa qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện có 200 bé tới tiêm vắc xin dịch vụ và chưa tới 70 bé tiêm vắc xin miễn phí.
Rất ít các bà mẹ biết rằng các mũi tiêm dịch vụ 5/1 hay 6/1 chỉ phòng được 5,6 bệnh trong khi đó chương trình tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tiêm vắc xin miễn phí phòng 11 bệnh. Nghĩa là tiêm dịch vụ hoàn toàn không ngừa được nhiều bệnh hơn các trẻ tiêm chủng đều đặn trong các đợt tiêm chủng của chương trình Tiêm chủng mở rộng. Điều này đồng nghĩa với việ các trẻ tiêm dịch vụ muốn phòng các bệnh nguy hiểm khi tiêm vắc xin dịch vụ xong vẫn còn phải tiêm vắc xin miễn phí những loại vắc xin còn thiếu, mà mấy mẹ đã biết thiếu cái loại nào. Thêm nữa, xin nhớ rằng tiêm vắc xin dịch vụ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra tai biến như vắc xin miễn phí. Tại Trung Quốc, trong năm nay, đã xảy ra hàng chục tai biến trong khi tiêm các loại vắc xin 5/1, 6/1. Trong Hội thảo về tiêm chủng vắc xin sởi - rubella diễn ra sáng 30-9 tại Hà Nội, khi trao đổi với báo chí, ông Kohei Toda, chuyên gia về vắc xin của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết hiện nay cả vắc xin dịch vụ lẫn vắc xin tiêm chủng miễn phí đều có quy trình kiểm định như nhau và “không có loại vắc xin nào là an toàn 100%”.
Trong 29 năm thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới. Tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2012 với năm 1984 thấy: Bệnh Bạch hầu giảm 585 lần, Ho gà giảm 937 lần, Uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, Sởi giảm 573 lần. Ước tính đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, và sởi, góp phần đạt được mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ là giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015.
Mỗi mũi tiêm dịch vụ tại thời điểm này có giá 650 ngàn đến 750 ngàn đồng và nếu để thay thế toàn bộ các loại vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng các trẻ em phải tiêm đủ 3 mũi với tổng số tiền chi trên 2 triệu đồng. Đó là con số không nhỏ, nếu tính tới số lượng hàng chục triệu trẻ em nước ta.
Vì vậy, xin đừng lãng quên Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hãy để cho trẻ tham gia chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế.