Nghĩ đến đau mắt đỏ (chuyên ngành y tế gọi là viêm kết mạc cấp), chúng ta có thể hình dung những đôi mắt đỏ ngầu, vằn lên những mạch máu nhỏ bên trong kết mạc hoặc mắt đầy ghèn. Nghe thì đáng sợ nhưng dịch bệnh này tương đối lành tính nếu điều trị kịp thời, đúng cách và tuân thủ biện pháp ngăn chặn lây lan.
Triệu chứng đau mắt đỏ: Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai. Triệu chứng ban đầu của bệnh là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt, có thể bị sốt nhẹ. Đôi lúc bệnh nhân thấy rất sợ ánh sáng và cảm giác như có dị vật trong mắt. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hạch hoặc đôi khi có hạch ở tay.
Trẻ đến trường cần được rửa tay thường xuyên để phòng ngừa dịch bệnh |
Tác nhân gây bệnh: Người ta thường chia viêm kết mạc cấp thành 3 nhóm chính, tùy theo tác nhân gây bệnh: Một là, viêm kết mạc do virus, thường theo mùa, có thể theo sau một đợt viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm phế quản). Hai là, viêm kết mạc do vi trùng thường khởi phát nhanh, rầm rộ hơn, và xuất tiết nhiều hơn viêm kết mạc do virus, tình trạng khô mắt và viêm bờ mi có thể là điều kiện thuận lợi cho viêm kết mạc vi trùng phát triển. Ba là viêm kết mạc dị ứng, gây ra bởi các chất kích thích mắt như phấn hoa, bụi, lông động vật đối với các cá nhân nhạy cảm.
Cơ chế lây lan: Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau mà trung gian truyền bệnh chính là nước mắt của bệnh nhân đau mắt đỏ do nước mắt này có chứa virus. Bệnh đau mắt đỏ lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho, hắt hơi và qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, đồ dùng cá nhân…) hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng. Đau mắt đỏ dễ lây lan trong cộng đồng, có thể gây thành đại dịch, nhất là những nơi tập trung đông người như cơ quan, trường học. Dịch đau mắt đỏ thường bắt đầu từ đầu tháng 9 do thời tiết ẩm thấp, đến tháng 11 gió mùa thì lại hết.
Biến chứng: Đa số trường hợp tự hết sau 7 đến 14 ngày nhưng thông thường bệnh thường sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, điều trị đúng chỉ định có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực sau này. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn, mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi. Thậm chí, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân tự ý dùng thuốc như gây giảm thị lực, sẹo giác mạc, nhất là thuốc chứa corticoid, nhiều bệnh nhân tự ý mua về sử dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa.
Phương pháp điều trị: Khi bị viêm kết mạc cấp phải đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt, không được tự ý mua thuốc tra nhỏ. Điều trị có hiệu quả nhất khi tìm được nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin… Với nguyên nhân virus, không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chủ yếu dựa vào chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận thì sau 6-10 ngày, virus sẽ tự hết. Khi bị đau mắt đỏ, phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa mắt bằng nước muối sinh lý, không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn, đeo kính mát cho mắt, người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc.
Các biện pháp phòng tránh: Phòng tránh chống lây lan viêm kết mạc trong cộng đồng hết sức quan trọng. Một số biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt, không dùng tay dụi mắt là hết sức cần thiết. Khi đang có dịch đau mắt đỏ, cần lưu ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý, hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh…
.