Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam tiếp tục gia tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, đến năm 2050 sẽ có 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, mặc dù tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta xảy ra muộn hơn rất nhiều so với thế giới, nhưng tốc độ lại diễn ra rất nhanh.
Năm 2013, tỷ lệ bé trai/bé gái ở Việt Nam là 113,8/100 |
Cụ thể, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái từ năm 2000 lên 110,6 bé trai/ 100 bé gái (năm 2009) và đến năm 2013, tỷ lệ này đã tăng lên 113,8 bé trai/100 bé gái.
“Trong mấy thập kỷ trước, tỷ lệ nữ giới ở nước ta thường chiếm khoảng 53-52%, nam giới là 47-48% và được duy trì khá ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong 14 năm gần đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đã tăng dần từ 105, 106 đến 120 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt, có lúc chúng tôi giật mình khi thấy có một số xã ở Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ này lên đến gần 150 bé trai/100 bé gái lúc ra đời”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Theo báo cáo của Tổng Cục dân số và kế hoạch hóa gia đình, năm 2012, cả nước có 27 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính trong khi sang năm 2013, đã có 40 tỉnh ghi nhận tỷ lệ này - một con số khiến không ít người giật mình.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả thành thị và nông thôn, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định…
Nếu vấn đề này không được giải quyết một cách nghiêm túc và hiệu quả thì chỉ trong thời gian ngắn tới, Việt Nam sẽ có khoảng 2,3-4,3 triệu thanh niên nam không lấy được vợ, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Mất cân bằng giới - hậu quả của phân biệt giới
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện nay, toàn châu Á đang "thiếu hụt" tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây chính là một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu do tư tưởng định kiến giới, ưa thích con trai vì có người nối dõi và thái độ không coi trọng giá trị của con gái đã “ăn sâu bám rễ” trong nhiều thế hệ của người Việt.
Chính tư tưởng đó đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng tới vị thế kinh tế-xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ.
“Và từ đó, mất cân bằng giới tính khi sinh như một cái vòng luẩn quẩn. Thanh niên không lấy được vợ. Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực, buộc các em gái phải bỏ học để kết hôn sớm. Tình trạng này cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ...", Thứ trưởng Tiến lo ngại.
Một trong những giải pháp quyết liệt mà Việt Nam đã thực hiện để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là thực hiện các biện pháp xóa bỏ quảng cáo và tuyên truyền cho dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.
Tuy nhiên, các dịch vụ siêu âm và nạo thai ở nước ta vẫn tiếp tục được sử dụng sai mục đích để lựa chọn giới tính thai nhi. Nguyên nhân được chỉ ra là do việc giám sát các phòng khám y tế tư nhân và bệnh viện không được thực hiện đầy đủ và các biện pháp xử phạt hiện nay dường như không đủ mạnh để hạn chế nạo thai lựa chọn giới tính.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận, rất khó để có thể cấm chẩn đoán giới tính thai nhi bằng siêu âm.
Chính điều này làm cho các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia y tế của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức để có thể đảm bảo sức khỏe và quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận với công nghệ sàng lọc trước sinh và dịch vụ phá thai an toàn, trong khi vẫn tránh được việc lạm dụng các kỹ thuật sinh sản mới.
Một thách thức nữa là làm sao có thể vừa cân bằng giữa việc thực thi pháp luật và cấm xác định giới tính trước khi sinh và quyền sinh sản của phụ nữ.
Đặc biệt, thách thức cuối cùng, cốt lõi của vấn đề, là làm sao đánh động tới suy nghĩ, tư tưởng của người dân rằng, bé gái cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình.
.