(Congannghean.vn)-Hiện nay đang là thời điểm bùng phát dịch bệnh thủy đậu. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bệnh thủy đậu đã xuất hiện và gia tăng mạnh trên địa bàn nhiều tỉnh trong cả nước. Mặc dù ở Nghệ An chưa xảy ra nhiều, song điều đáng nói, tại nhiều điểm tiêm phòng lại hết vắc-xin thủy đậu và chưa biết khi nào mới nhập hàng về nên người dân muốn tiêm phòng cũng không có vắc-xin để tiêm.
Nghệ An là tỉnh có dân số đông với hơn 3 triệu người, có hệ thống giao thông phát triển với Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam chạy qua, có sân bay, cảng biển nên nhiều thuận lợi trong việc giao thương với các tỉnh khác. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tại tỉnh ta cũng đã có sự phát triển khá mạnh, thu hút lượng lớn người lao động từ nhiều nơi khác đến làm việc, một mặt làm cho mật độ dân cư tăng nhanh, mặt khác, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Người dân ngồi chờ tiêm phòng tại phòng tiêm Sapo Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An |
Có thể nói, sự giao lưu thuận lợi giữa các vùng miền, thay đổi hành vi lối sống khiến đời sống xã hội trở nên phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ gia tăng các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết có nhiều thay đổi bất thường, là điều kiện thuận lợi để bệnh truyền nhiễm lây lan, phát triển trong cộng đồng.
Trong một vài năm gần đây, tại Nghệ An, các trường hợp bị mắc bệnh thủy đậu tương đối cao so với các năm trước. Tỉ lệ mắc giai đoạn 2008 - 2012 là 45,63/100.000 dân. Năm 2013, có 1.048 ca mắc rải rác tại 20 huyện, thành, thị, chủ yếu tập trung tại các huyện Diễn Châu: 201 ca, Nghi Lộc 137 ca, Quỳnh Lưu 123 ca, Đô Lương 96 ca. Các ca mắc rải rác theo các tháng trong năm, gia tăng chủ yếu ở các tháng 3, 4, 5.
Năm 2013, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Nghệ An diễn biến phức tạp, đa số các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh truyền nhiễm gây dịch có số người bị nhiễm cao trong năm, trong đó có bệnh thủy đậu với 1.048 trường hợp. Công tác phòng, chống dịch đã được triển khai kịp thời, công tác giám sát dịch được duy trì thường xuyên, hạn chế tới mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do dịch bệnh.
Mặc dù bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Bởi mùa đông - xuân, thời tiết mưa lạnh, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho các virus hô hấp phát triển mạnh. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu trong mùa đông - xuân này là rất lớn. Theo các chuyên gia y tế, thủy đậu là loại bệnh lành tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học. Đây là bệnh do nhiễm virus gây ra, có thể lây, chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp hoặc dịch các nốt phỏng nước trên da vỡ ra. Biểu hiện của bệnh là những ngày mới mắc, người mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa.
Khoảng 3 - 4 ngày sau, trên da xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở mặt, xuống cổ, lưng rồi lan ra toàn thân. Một vài ngày sau, các nốt ban này phát triển thành các nốt phỏng có dịch. Đầu tiên, nốt phỏng nông, thưa, mọc rất nhanh, sau đó mọc làm nhiều đợt cách nhau hai, ba ngày. Do đó, ở cùng một vùng da, có thể gặp đủ loại nốt đậu khác nhau như: nốt to, nhỏ, đỏ, phỏng, nốt đã đóng vảy. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ gây mủ, sưng to và rất ngứa khiến người bệnh gãi trầy da, để lại sẹo sâu. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì có thể để lại sẹo. Biến chứng có thể gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm não.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Công - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Vắc-xin sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An cho biết: Vào thời điểm này của năm ngoái, đã có nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu, nhưng năm nay từ đầu mùa đến nay chưa thấy huyện, thị nào báo cáo trường hợp mắc bệnh và qua công tác kiểm tra, giám sát tại các bệnh viện cũng chưa thấy trường hợp nào. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là. Có một thực tế là, người dân thường không mấy quan tâm đến việc tiêm phòng, thường thì khi nào xem trên tivi thấy bệnh xuất hiện ở tỉnh khác mới lo đi tiêm. Được biết, hiện nay số người được tiêm vắc-xin thủy đậu đạt tỉ lệ thấp. Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng thời gian, tức là phải tiêm trước mùa dịch.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thời điểm này ở hầu hết các điểm tiêm phòng trên toàn quốc, trong đó có Nghệ An đã hết vắc-xin phòng thủy đậu và chưa biết bao giờ mới có trở lại. Lí do phụ thuộc vào công ty nhập khẩu và phân phối. Bởi, Việt Nam chưa sản xuất được vắc-xin thủy đậu mà phải nhập khẩu, do đó người dân phải tự bỏ tiền túi ra mua với giá khoảng 400 nghìn đồng/mũi. Vì giá khá cao, mặt khác, người dân chưa có thói quen chủ động đi tiêm vắc-xin dịch vụ, nên các đơn vị nhập khẩu không dám nhập về nhiều cùng lúc.
Do đó, khi dịch bùng phát mạnh, nhiều người đổ xô đi tiêm, dẫn đến tình trạng hết vắc-xin. Theo bác sĩ Phan Đình Nghĩa, làm việc tại phòng tiêm Sapo - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì, nguyên nhân thiếu vắc-xin phòng bệnh thủy đậu là do vắc-xin này không nằm trong danh sách 11 loại vắc-xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Tại Trung tâm Y tế dự phòng, vắc-xin tiêm phòng thủy đậu đã hết từ tháng 7/2013, đợt này nhiều người dân cũng đã tìm đến trung tâm tiêm phòng thủy đậu nhưng không có vắc-xin để tiêm. Chúng tôi muốn lấy loại vắc-xin này về cũng chưa có hàng để lấy.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Người dân khi phát hiện trẻ em bị thủy đậu thì phải cách ly để tránh lây nhiễm. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh thì phải đến ngay cơ sở y tế khám để được bác sĩ tư vấn đầy đủ, phòng biến chứng có thể xảy ra. Đặc biệt, phải vệ sinh sạch sẽ, chống bội nhiễm, tránh để lại sẹo.
Hoa Lê