Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/khon-don-vi-xa-ban-dat-trai-tham-quyen-459865/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/khon-don-vi-xa-ban-dat-trai-tham-quyen-459865/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khốn đốn vì xã bán đất trái thẩm quyền - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 09/03/2014, 13:59 [GMT+7]

Khốn đốn vì xã bán đất trái thẩm quyền

(Congannghean.vn)-Giai đoạn 1994 - 1999, các “quan xã” tại Hiến Sơn đã bán gần 300 lô đất trái thẩm quyền. Trong số này, một lượng không nhỏ tiền người dân mua đất đã không được nộp vào kho bạc. Hậu quả là, gần 20 năm nay, hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trên những thửa đất chưa được cấp sổ đỏ, nhiều hộ không được xây dựng nhà cửa hay vay ngân hàng phát triển sản xuất. Có hộ khốn đốn vì làm móng, chuẩn bị xây nhà thì bị UBND xã “tuýt còi”, UBND huyện ra quyết định thu hồi.

Khi đồng tiền không đi liền... thửa đất

Ông Trần Đăng Tường (87 tuổi), công dân xóm Hòa Long, xã Hiến Sơn cho biết: Ông từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình, bản thân ông được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến. Cha mẹ ông đến vùng đất này từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, khai hoang và để lại cho ông 2 thửa đất có tổng diện tích 9 sào, 10 thước. Năm 1978, hưởng ứng lời kêu gọi của xã, huyện, gia đình ông đồng ý hiến đất cho địa phương để phân chia cho các hộ dân sản xuất, phát triển kinh tế.

Đến năm 2004, toàn bộ diện tích ông hiến cho địa phương được sử dụng xây dựng Trường THPT Đô Lương 4. Phần còn lại, ông trồng cây lâu năm, sản xuất hoa màu. Khi Nghị định 64/CP ra đời, do không được hướng dẫn, tuyên truyền, gia đình ông không kê khai trích lục diện tích, nguồn gốc số đất trên. Đến năm 1998, khi xã có chủ trương bán đất, ông ứa nước mắt vì phải làm đơn xin mua đất và nộp 1,5 triệu đồng để mua lại diện tích đất do cha ông mình để lại. Nhưng, đó chưa phải là điều khiến gia đình ông khốn khổ nhất.

Ông Tường bên lô đất bỏ tiền ra mua nhưng bị UBND huyện Đô Lương thu hồi
Ông Tường bên lô đất bỏ tiền ra mua nhưng bị UBND huyện Đô Lương thu hồi

Ngày 15/7/1999, ông lên xã nộp tiền. Do kế toán và thủ quỹ đi vắng, đích thân ông Nguyễn Chương Huynh, lúc đó là Chủ tịch UBND xã viết phiếu thu, ký tên, nhận tiền. Nội dung phiếu thu ghi “Thu lệ phí cấp đất ở”, chữ ký dưới dòng chữ thủ trưởng đơn vị và thủ quỹ đều do ông Nguyễn Chương Huynh ký tên nhưng không đóng dấu. Đinh ninh tiền mua đất đã được nộp vào ngân sách, ông ra về và từ đó đến nay, gia đình vẫn tiếp tục sử dụng thửa đất trên.

Tuy nhiên, năm lần bảy lượt ông lên xã yêu cầu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đều không được. Ngày 9/7/2012, UBND huyện Đô Lương ra quyết định thu hồi thửa đất trên. Khi ông xây móng chuẩn bị làm nhà cho người con gái không chồng ra ở riêng thì UBND xã Hiến Sơn ra quyết định đình chỉ “vì đã có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai (lấn, chiếm đất, xây dựng công trình trên thửa đất đã bị Nhà nước thu hồi)”.

Thực tế, tại Hiến Sơn, rơi vào cảnh ngộ của ông Tường còn có hàng trăm hộ dân khác. Các hộ mua đất đều đã nộp tiền, có phiếu thu hoặc được đóng dấu hoặc không nhưng nhiều hộ vẫn chưa được làm GCN QSDĐ. Gần 20 năm nay, hàng trăm hộ dân đã sử dụng, xây nhà trên các thửa đất do UBND xã Hiến Sơn bán nhưng chưa được cấp GCN QSDĐ và đương nhiên, muốn cầm cố để vay ngân hàng phát triển kinh tế đều không thể.

Dân nghèo khốn đốn

Sau khi việc làm GCN QSDĐ của hàng trăm hộ dân không thực hiện được, người dân đã viết đơn khiếu nại, tố cáo một số “quan xã”. Sau đó, Thanh tra UBND huyện Đô Lương đã vào cuộc nhưng kết quả khiến người dân không hài lòng. Kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh cho thấy, từ năm 1994 - 1999, UBND xã Hiến Sơn đã bán 286 suất đất. Tổng số tiền phải thu là 656.565.000 đồng. Số tiền dân đã nộp là 621.071.000 đồng. Trong đó, một số cá nhân chiếm dụng 5.850.000 đồng. UBND xã Hiến Sơn cũng chỉ nộp vào ngân sách xã 76.925.000 đồng.

Kết luận, UBND xã Hiến Sơn đã cấp bán đất sai thẩm quyền 275 suất đất. Thu tiền đất không nộp kho bạc theo chế độ số tiền là 554.146.000 đồng. Trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã và kế toán ngân sách xã. Các “quan tham” đã phải nhận hình thức kỷ luật đích đáng nhưng hậu quả gây ra vẫn khiến nhiều hộ dân điêu đứng. Sau kết luận này, số phận nhiều hộ dân vẫn “lơ lửng”. Nhiều hộ, dù đã nộp tiền cho cán bộ xã nhưng do tiền chưa nộp vào ngân sách, do phiếu thu không được đóng dấu đương nhiên không được làm các thủ tục cấp GCN QSDĐ.

Dù có phiếu thu nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa được cấp GCN QSDĐ
Dù có phiếu thu nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa được cấp GCN QSDĐ

Theo ông Nguyễn Đình Công, cán bộ địa chính xã Hiến Sơn, năm 2000, tại địa phương này đã xảy ra một vụ cháy khiến toàn bộ hồ sơ, sổ sách được lưu giữ không còn (?). Hệ quả là, nhiều hộ dân không lưu được chứng từ gốc đương nhiên không thể làm thủ tục cấp GCN QSDĐ. Trong số toàn bộ các suất đất bán sai thẩm quyền này, đến nay mới có 15 suất được cấp GCN QSDĐ, 194 suất đang làm hồ sơ thủ tục. Số còn lại, vì nhiều lý do như thiếu hồ sơ gốc, phiếu nộp tiền ghi nội dung không phải tiền mua đất, không được đóng dấu... thì gặp rất nhiều vướng mắc.

Như vậy, việc xã bán đất trái thẩm quyền đã được làm rõ từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là, số tiền người dân nộp để xin cấp đất bằng cách này hay cách khác được một số “quan tham” sử dụng sai mục đích. Đến nay, nhiều hộ dân vẫn khốn đốn vì không biết số phận những suất đất mình bỏ tiền ra mua sẽ đi về đâu, sẽ bị thu hồi hay mãi mãi không được cấp sổ đỏ? Đề nghị các ban ngành hữu quan sớm vào cuộc để tháo gỡ các vướng mắc này, tránh thiệt thòi cho người dân nghèo Hiến Sơn.

Văn Dũng
 

 
.

Liên hệ Quảng cáo 0383839044 - 0946111580