Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201309/30826-o-at-ban-non-dat-rung-dat-o-403013/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201309/30826-o-at-ban-non-dat-rung-dat-o-403013/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ồ ạt bán 'non' đất rừng, đất ở - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 19/09/2013, 14:00 [GMT+7]
30826

Ồ ạt bán 'non' đất rừng, đất ở

Thiệt đơn, thiệt kép
 
Khi dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na có công suất 180MW được khởi công xây dựng từ năm 2008 thì trên 1.000 hộ dân của 14 bản thuộc 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn phải di dời đến nơi ở mới. Theo đó, Thủy điện Hủa Na sẽ tích nước trong lòng hồ chiếm trên 2 nghìn ha diện tích đất rừng, nhà ở, đất sản xuất… của bà con.
 
Đến nay, công tác di dân đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là đã có hàng nghìn ha đất rừng, đất ở, đất vườn của người dân ở khu vực lòng hồ trước kia đã bị bán “non” cho các cá nhân trục lợi.
 
“Gia đình tôi có gần 5 ha đất rừng khoanh nuôi bảo vệ. Vào năm 2008, nghe tin Nhà nước sẽ làm thủy điện nên khi có người ngoài thị trấn Kim Sơn vào mua với giá vài triệu đồng một ha nên tôi bán luôn. Vì họ nói đất của gia đình tôi trước sau cũng nằm trong lòng hồ tích nước của Thủy điện Hủa Na. Sau này, khi biết Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền đền bù cho các hộ dân có đất rừng khoanh nuôi, bảo vệ trong lòng hồ thì nhà tôi đã bán cho họ mất rồi. Chủ trương đền bù đất cho người dân thì chúng tôi không biết nên khi những người nhiều tiền vào mua nhà tôi đã bán luôn…” - Anh Lương Văn Cước ở bản tái định cư Hủa Na 2 cho biết.
 
Anh Lương Văn Cước ở bản tái định cư Hủa Na 2, một trong những hộ dân đã bán “non” đất rừng
 
 Cũng giống như gia đình anh Cước, hàng nghìn hộ dân thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Hủa Na phải di dời đến nơi ở mới đã nghe theo lời dụ dỗ của các cá nhân liền đem cầm cố bìa đất cho họ. Một số hộ dân thì đổi bìa đất rừng, đất vườn… lấy xe máy, đồ dùng trong gia đình với giá “cắt cổ”.
 
Theo phản ánh của người dân, hầu hết họ đều bán, cầm cố bìa đất thuộc nơi ở cũ nằm trong lòng hồ Thủy điện Hủa Na cho một số cá nhân ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Với chiêu bài đổi xe máy, điện thoại, đồ dùng trong gia đình với giá cao hoặc mua với giá chỉ vài triệu đồng một ha đất rừng.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi lòng hồ Thủy điện Hủa Na tích nước vào tháng 7/2012, một số cá nhân đã “âm thầm” vào vận động người dân bán đất rừng cho họ. Mặt khác, lợi dụng vào tâm lý cũng như phong tục tập quán của bà con nơi đây, nhiều cá nhân cho ứng trước tiền, đồ dùng cần thiết để vận động người dân bán bìa đất. Hộ ít thì vài ha, hộ nhiều thì vài chục ha đất rừng được Nhà nước cấp bìa chỉ trong thời gian ngắn đã vào tay của các “đại gia” ở huyện Quế Phong và một số nơi khác.
 
Với chiêu bài như vậy, một số cá nhân là “chủ rừng trên giấy tờ” đã giàu lên chỉ trong một thời gian ngắn, vì được hưởng lợi nguồn tiền từ việc đền bù diện tích đất rừng của bà con bị ngập trong lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Còn người dân, khi biết mình bị “hớ” thì cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì đã trót ký giấy tự thỏa thuận bán đất rừng cho người khác.
  
Ai biết trước chủ trương?
 
Bà Lô Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ xác nhận, thông tin người dân ồ ạt bán, cắm bìa đất rừng trước đó đã được giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP là có thật. “Riêng xã Thông Thụ có 679 hộ dân phải di dời ra khỏi lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Tùy mức áp giá đền bù giải phóng mặt bằng theo từng loại đất rừng, đất sản xuất từ 24 triệu đến 80 triệu đồng một ha. Còn việc người dân cắm bìa đất rừng cho những người khác thì xã có biết và có báo cáo gửi lên huyện”.
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lãnh đạo xã có thống kê được con số mà người dân đã bán đất rừng trong lòng hồ Thủy điện cho người khác thì bà Hồng không biết được? “Những hộ này bán không thông qua xã nên xã cũng không nắm rõ” - Bà Hồng cho biết thêm. Còn với bà con ở đây, khi chúng tôi tìm hiểu về việc ai đã mua trước đất rừng hoặc đã cầm cố bìa đất thì họ đều trả lời rất thật thà. Và, khi hỏi về thủ tục giấy tờ như thế nào, người dân cũng nói rành rọt là chỉ bằng hình thức viết tay rồi ký hoặc điểm chỉ cho cá nhân mua đất rừng.
 
Người dân vùng tái định cư Thủy điện Hủa Na đang tái nghèo
 
Đổi lại, người dân chỉ được trả với giá chỉ vài triệu đồng một ha đất rừng, đất vườn hoặc đổi lại bằng những vật dụng cho bản thân mình với giá đắt đỏ. Đến khi Nhà nước có chủ trương giải ngân số tiền đền bù và thông báo mức áp giá đất trong lòng hồ Thủy điện, người dân lúc đó mới tá hỏa thì đã muộn. Đáng lẽ tiền của mình được hưởng mà không phải của mình.
 
Nhiều hộ dân đã bán đất rừng hoặc cầm cố bìa đất với lãi suất cao nay đã bị các chủ nợ siết trừ đến còn con số 0. Không có tiền làm ăn sinh sống, người dân nơi đây đã nghèo nay còn nghèo hơn vì số tiền đền bù hàng trăm triệu đồng nay bỗng chốc về tay người khác. Bức tranh tái định cư dẫn đến tái nghèo của hàng nghìn hộ dân ở đây đã hiện hữu trước mắt.
 
Ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi làm công tác đền bù tái định cư thì về nguyên tắc phải đền bù cho chính chủ. Nhưng trong quá trình giải ngân vào năm 2011 và 2012 thì mới phát hiện ra những hộ dân không được nhận tiền của mình. Cái này chúng tôi cũng biết nhưng cũng phải giao cho hộ dân, nếu không giao cho người dân có diện tích đất rừng nằm trong diện đền bù thì sai nguyên tắc. Việc một số đối tượng lợi dụng để dụ dỗ bà con bán “non” đất rừng trong lòng hồ Thủy điện, chúng tôi sẽ giao cho cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
 
Vậy ai đã biết trước chủ trương sẽ đền bù cho bà con ở đây có diện tích đất trong lòng hồ Thủy điện Hủa Na? Và ai là người biết mức giá đền bù cho từng m2 đất? Hiển nhiên, chỉ có cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Thủy điện Hủa Na là người biết rõ.
 
Tuy nhiên, thông tin về chủ trương chưa đến được với người dân thì một số cá nhân đã biết trước hàng năm trời rồi lên kế hoạch trục lợi. Vì thế, cái nghèo của bà con lâu nay vẫn luôn đeo bám nay càng nghèo hơn khi chủ trương chính sách không được tuyên truyền kịp thời.

Ngọc Thái
.